Bài viết này nhằm bốn mục đích:
- Đóng góp ý kiến vào việc cải tổ Hiến Pháp.
- Đáp ứng đề nghị của luật sư Đặng Dũng từ trong nước kêu gọi giới luật học hải ngoại đóng góp những nghiên cứu chuyên môn giúp nâng cao kiến thức luật học cho giới lãnh đạo chính trị, lãnh đạo luật học và sinh viên luật trong nước.
- Giải đáp câu hỏi của một nữ sinh viên luật trong nước gửi các luật gia hải ngoại về từ ngữ liên quan.
- Góp phần thảo luận với các luật gia hải ngoại trên hệ thống emails nội bộ về từ ngữ đề cập
Rule of law là dân chủ. Rule by law là dân chủ giả hiệu.
Rule of Law được giới luật VNCS dịch là Pháp Quyền, Rule by law là Pháp Trị. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ nội dung của hai cụm từ này. Ngay cả không ít những người dùng nó cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa. Chưa kể giới lãnh đạo chính trị CS lại luôn muốn lường gạt nhân dân bằng cách nhập nhằng ý nghĩa của hai cụm từ này để tỏ rằng phương cách cai trị của đảng cũng dân chủ.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc, một trong các giáo sư luật hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa, mới đây đã xác nhận tại miền Nam Việt Nam trước 1975 ông không nghe nói tới từ Pháp Quyền mà chỉ nghe nói tới cụm từ “Nguyên Tắc Thượng Tôn Luật Pháp.” Là một trong hàng ngàn học trò trực tiếp của Giáo Sư, tôi tin sự xác định của ông. Và trong một số bài viết về tư pháp (trong vụ án Cù Huy Hà Vũ), tôi cũng dùng cụm từ Nguyên Tắc Thượng Tôn Luật Pháp để dịch Rule of Law.
Phân tích một cách chuyên môn, chi tiết, Rule of law có cả ba nghĩa: Rule according to law; rule under law; or rule according to a higher law (http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/Rule+of+law). Trong nghĩa thứ nhất, “ rule according to law” thì kẻ cầm quyền (chính phủ) không thể trừng phạt hình sự hay dân sự một người nào mà không nghiêm chỉnh tuân theo những thủ tục tố tụng và những đạo luật được hình thành một cách cẩn trọng và được định danh một cách rõ ràng (well-established and clearly defined laws and procedures). Trong nghĩa thứ hai Rule under law, không một ngành nào của chính phủ được đứng trên luật pháp, và không một viên chức công quyền nào có thể hành xử một cách độc đoán hay đơn phương (unilaterally), đứng ngoài luật pháp. Hay nói một cách ngắn gọn, “Không ai được đứng trên luật pháp”. Trong nghĩa thứ ba, rule according to the higher law, thì chính quyền không thể cưỡng hành một đạo luật thành văn nào nếu đạo luật đó không phù hợp với một số nguyên tắc bất thành văn, phổ quát (universal) của sự công bằng (fairness), đạo đức (morality), và công lý (justice) là những nguyên tắc đứng trên mọi hệ thống luật pháp do con người tạo lập (that transcend human legal systems.) Khi dùng từ higher law, các học giả phương tây muốn nói tới luật tự nhiên (natural law). Tóm lại, những nguyên tắc của luật tự nhiên đứng trên mọi luật pháp do con người hình thành.
Quan điểm cho rằng có những nguyên tắc pháp lý có sẵn trong thiên nhiên (Natural law theory) mà những đạo luật do con người lập ra cần tuân thủ thường được tóm gọn trong thành ngữ “Một đạo luật bất công không thực sự là luật” (an unjust law is not a true law, lex iniusta non est lex,) trong đó từ “bất công” (unjust) được định nghĩa là trái với luật tự nhiên. Luật tự nhiên đôi khi cũng được tóm gọn trong thành ngữ (maxim) tương tự “một đạo luật bất công thì chẳng phải là luật gì cả (“an unjust law is no law at all”).
Và chính từ luật tự nhiên mà luật do con người tạo ra (hiến pháp và luật pháp) có được tính cách cưỡng hành (a b c Shiner, “Philosophy of Law”, Cambridge Dictionary of Philosophy). Luật tự nhiên thật gần gũi với khái niệm đạo đức (morality). Chính vì thế, về bản chất, Rule of law là một khái niệm về thuần túy đạo đức (an intrinsically moral notion).
Tóm lại, để xây dựng một chế độ pháp quyền (hay thượng tôn luật pháp-Rule of law), cần phải có những đạo luật và những thủ tục được xây dựng một cách tốt đẹp và được định danh một cách rõ ràng (well-established and clearly defined laws and procedures); đồng thời những đạo luật đó phải có nội dung phù hợp với những nguyên tắc bất thành văn, phổ quát (universal) là công bằng (fairness), đạo đức (morality), và công lý (justice).
Cụm từ “Rule of law” lần đầu tiên được thấy trong một đơn trình từ hạ viện Anh (House of Commons) gửi lên Hoàng Đế James I của Anh Quốc vào năm 1610. Đơn đó ca ngợi việc dân chúng được hạnh phúc và tự do dưới sự dẫn dắt và cai trị bởi rule of the law (http://en.wikipedia.org/wiki/Rule_of_law#Antiquity). Tới tk 19 thành ngữ Rule of law trở thành phổ thông bởi luật gia Anh quốc A.V. Dicey. Nhưng khái niệm này quen thuộc đối với các tư tưởng gia cổ điển phương tây (Hy Lạp) từ 2500 năm trước như Plato (427-327 trước công nguyên) và Aristotle (384-322 trước công nguyên). Plato viết, “Ở đâu luật pháp dưới trướng nhà cầm quyền thì sự xụp đổ của quốc gia (state) không xa; nhưng ở đâu mà luật pháp đứng trên chính quyền thì tình hình có nhiều hứa hẹn và dân chúng vui hưởng trọn vẹn những ân sủng của thượng đế ban cho quốc gia. Aristotle thì viết “Luật pháp nên cai trị” (Law should govern). Rule of law hàm ý rằng mọi công dân đều phải tuân theo luật pháp (every citizen is subject to the law), dù người đó là vua, tổng thống, chủ tịch nước, hay tổng bí thư đảng. Ý niệm này ngược với ý tưởng vua đứng trên luật pháp bởi lý thuyết vương quyền (divine right), theo đó quyền của nhà vua tới từ thượng đế chứ không phải từ sự đồng lòng của nhân dân. (http://en.wikipedia.org/wiki/Rule_of_law).
Như vậy trong suốt thời quân chủ, trước khi nước cộng hòa đầu tiên của thời cận đại ra đời (Hoa Kỳ năm 1776), với lý thuyết vương quyền, trên thế giới hoàn toàn không có quốc gia nào áp dụng nguyên tắc thượng tôn luật pháp (Rule of law); mà, nói một cách đơn giản, tất cả mọi quốc gia đều theo nguyên tắc Rule by law, tức nguyên tắc luật pháp phục vụ nhà cầm quyền. Trong chế độ đó vua đứng trên luật pháp, hay vua là luật pháp (king is law). Chỉ có điều cụm từ Rule by law thời đó chưa xuất hiện.
Vào năm 1776, khái niệm “không ai đứng trên luật pháp” đã phổ biến trong giai đoạn Hoa Kỳ khởi đầu lập quốc. Ví dụ, vào lúc khởi đầu cuộc cách mạng dành độc lập của Hoa Kỳ, ông Thomas Paine đã viết một tập sách mỏng có tên Common Sense nhằm kêu gọi đòi độc lập khỏi Anh Quốc, trong đó ông viết, “Ở Hoa Kỳ, luật là vua (the law is king). Trong khi ở các quốc gia quân chủ độc đoán Vua là luật (King is law), thì ở những quốc gia tự do luật phải là vua (law ought to be king) và không thể là gì khác.”
Trong hai thế kỷ tiếp theo đó nhiều quốc gia quân chủ tiến bộ đã biến thành quân chủ lập hiến hay cộng hòa, một chính thể không có vua, Rule of law trở nên phổ biến và quần chúng ngày càng khát vọng dân chủ. Trước trào lưu đó, một số kẻ cầm quyền ở những quốc gia theo chính thể cộng hòa (không có vua) nhưng vẫn có tham vọng duy trì quyền lực (power) toàn diện như của một vị vua, đã bắt buộc phải lừa bịp dân chúng bằng cách xây dựng những cơ chế ban hành và áp dụng luật pháp (quốc hội và tòa án) cùng những bản hiến pháp và các đạo luật chỉ có tính dân chủ giả hiệu. Những cơ quan lập pháp và tư pháp ở những quốc gia đó hoặc không có tính cách độc lập và bình đẳng với hành pháp (các quốc gia cộng sản), hoặc chỉ độc lập một cách hình thức (các quốc gia phát xít và không ít các quốc gia chậm tiến hiện nay). Những bản hiến pháp và những đạo luật của những quốc gia đó không đáp ứng những điều kiện của nguyên tắc Rule of law như được trình bày ở trên. Dưới những chế độ giả hiệu dân chủ, đa số ngôn từ trong hiến pháp và những đạo luật đều tương tự như những bản hiến pháp và luật pháp của các quốc gia dân chủ. Nhưng sẽ có vài từ hay cụm từ hay vài điều khoản có vẻ bình thường như những điều khoản khác nhưng lại có hiệu quả loại bỏ hoàn toàn tính chất dân chủ của bản văn luật pháp đó. Ví dụ điều 4 của Hiến Pháp ViệtNamhiện nay và một số điều khoản khác nữa. Hoặc cơ quan soạn thảo hiến pháp hay luật (quốc hội) và những cơ quan có nhiệm vụ giải thích và áp dụng các luật lệ đó (tòa án) bề ngoài cũng có vẻ được hình thành và sinh hoạt dân chủ như các cơ quan tương tự ở các quốc gia dân chủ, nhưng trong thực tế, các cơ quan lập pháp và tư pháp ở các quốc gia độc tài đều hoàn toàn bị điều khiển bởi kẻ hay nhóm cầm quyền và phục vụ quyền lợi của nhóm cầm quyền. Ví dụ tình trạng quốc hội và tòa án hiện nay ở ViệtNam. Nói chung, các quốc gia phát xít (Đức, Ý, Nhật hay Tây Ban Nha thời Franco) hay các quốc gia chậm tiến hiện nay, hoặc các quốc gia cộng sản đều có hình thức dân chủ giả hiệu như vậy. Khi nghiên cứu hệ thống pháp lý tại các quốc gia dân chủ giả hiệu này, các luật gia phương tây đã tạo ra cụm từ Rule by law.
Chính những học giả phương tây cũng công nhận hai cụm từ Rule of law và Rule by law đã tạo ra nhầm lẫn vì bề ngoài có vẻ tương tự về từ vựng. Rule by law hoàn toàn khác và đối nghịch với Rule of law. Kẻ cầm quyền cai trị bằng nguyên tắc rule by law không phải vì luật pháp cao hơn họ mà vì làm như thế có lợi cho họ. Với rule of law, luật pháp ở tầng cao hơn và kẻ cầm quyền phải tuân thủ; còn trong chế độ rule by law, kẻ cầm quyền dùng luật pháp như một phương tiện có lợi nhất cho họ để thống trị (http://branemrys.blogspot.com/2005/08/rule-of-law-vs-rule-by-law.html).
Nói cách khác, trong chế độ Rule of law thì luật pháp là vua còn trong chế độ Rule by law thì kẻ cầm quyền là vua, đứng trên luật pháp. Trong chế độ Rule of law luật pháp dùng để bảo vệ dân chúng, mang lại phúc lợi cho dân chúng, chống lại sự lạm quyền (abuse power) của kẻ hay nhóm cầm quyền. Trong chế độ Rule by law, luật pháp được tạo ra và được giải thích, theo ý muốn của kẻ cầm quyền nhằm phục vụ đặc quyền, đặc lợi của kẻ hay nhóm cầm quyến. ViệtNamhiện nay đang ở tình trạng Rule by law chứ không phải Pháp Quyền (Rule of law).
Bài này chủ yếu chỉ nhằm làm rõ nghĩa và sự khác biệt giữa hai cụm từ Rule of law và Rule by law mà nhu cầu cải tổ Hiến Pháp hiện nay khiến các giới luật học, giới lãnh đạo chính trị và một thành phần dân chúng ở Việt Nam quan tâm.
Như đã trình bày ở trên, theo Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, một trong những giáo sư luật hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa và cũng từng là Giáo Sư tại một đại học Luật bên Pháp đã cho biết, trước 1975 miền nam không có từ ngữ Pháp Quyền mà chỉ có cụm từ “Nguyên Tắc Thượng Tôn Luật Pháp” để dịch cụm từ Rule of law. Luật Sư Nguyễn Tường Bá, từng là Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn của Việt Nam Cộng Hòa cũng mới nhắc tôi nhớ rằng, Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, một trong những Giáo sư hàng đầu khác của Việt Nam Cộng Hòa mà tôi cũng từng là học trò trực tiếp của ông, đã dùng từ Pháp Trị để dịch cụm từ Rule by law nhằm nói tới phái Pháp Gia (School of Legalism) của Hàn Phi Tử ở Trung Hoa vào tk 3 trước công nguyên.
Khi dịch sang tiếng Việt, phương pháp dịch từng chữ (mot à mot) đã mang theo tất cả sự lẫn lộn có sẵn của hai nhóm từ Rule of law và Rule by law. Thật khó phân biệt sự khác nhau, đối chọi nhau của hai từ Pháp Quyền và Pháp Trị khi dịch Rule of law là Pháp Quyền và Rule by law là Pháp Trị. Cả hai cụm từ Pháp Quyền và Pháp Trị trong tiếng Việt đều có ý nghĩa tích cực về mặt từ vựng, tức đều mang cho người đọc cảm giác một môi trường dân chủ. Trong khi trong tiếng Anh, Rule of law có ý nghĩa tích cực, có tính dân chủ; trái lại Rule by law có ý nghĩa tiêu cực, độc tài, hay dân chủ giả hiệu.
Hiện nay, tại Việt Nam, cả hai từ Pháp Quyền và Pháp Trị đều được xử dụng rộng rãi, nhưng ngay cả người dùng nhiều khi, có thể nói rất nhiều khi, cũng không nắm trọn ý nghĩa của từ ngữ. Giới luật gia và trí thức tranh đấu cho nhân quyền và cho một Việt Nam dân chủ, khi dùng từ Pháp Quyền hay Pháp Trị đều muốn nhắc tới nội dung của cụm từ Rule of law. Điều này là dĩ nhiên, bởi vì Rule of law là nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Trong khi giới lãnh đạo chính trị, giới lãnh đạo đảng hay chính phủ, hoặc do ngu dốt, hoặc chủ ý lừa bịp dân chúng, luôn rêu rao muốn xây dựng chế độ Pháp Quyền (Rule of law) nhưng lại ủng hộ những hạn chế của luật pháp và chống đối một sự độc lập cần thiết của quốc hội và tòa án với hành pháp và nhất định đòi duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng. Như thế là muốn áp dụng Rule by law.
Để tránh tình trạng nhập nhằng, cản trở tiến trình và nhu cầu cải tổ Hiến Pháp theo chiều hướng dân chủ thực sự, giới học thuật tư pháp ở Việt Nam, mà cụ thể là các tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ lãnh đạo và giảng dậy tại các trường đại học luật, lãnh đạo các cơ quan tư pháp, tòa án, phải đưa ra một định nghĩa rõ ràng cho các từ vựng Pháp Quyền và Pháp Trị. Cách tốt nhất, vì Rule of law và Rule by law là hai khái niệm cơ bản của học lý phương tây, sau mỗi khi dùng từ vựng Pháp Quyền hay Pháp Trị, người sử dụng nên chua thêm tiếng Anh (hay tiếng Pháp) để nói rõ nội dung của từ vựng mình sử dụng. Trong khi hệ thống tư pháp và pháp luật của ta còn non trẻ, các từ vựng pháp lý chuyên môn chưa có đủ và chưa rõ ràng, chúng ta không nên e sợ bị “mất chủ quyền ngôn ngữ” qua việc chua thêm ngoại ngữ mỗi khi xử dụng một từ chuyên môn pháp lý tiếng Việt. Trái lại, việc chua thêm ngoại ngữ như vậy trên thực tế sẽ giúp chúng ta diễn tả được điều muốn nói và thực hiện đúng điều chúng ta muốn làm. Theo cá nhân tôi, thay vì dùng từ Pháp Quyền thì cụm từ “Thượng Tôn Luật Pháp” là chính xác nhất và dễ hiểu nhất để diễn tả ý nghĩa của cụm từ Rule of law. Đồng thời để tránh việc nhà cầm quyền lừa dối nhân dân, cụm từ Rule by law nên được dịch là “Giả Pháp Quyền”.
Một sự rõ ràng, phân biệt trong dịch thuật sẽ mang lại tính rõ ràng cho hệ thống tư pháp và pháp luật của Việt Nam, một trong mấy yếu tố căn bản của chế độ Thượng Tôn Luật Pháp, tức Rule of law; đồng thời sẽ buộc giới cầm quyền CSVN phải hoặc chấp nhận xây dựng một nhà nước Pháp Quyền thực sự như họ đang rêu rao, tức phải tôn trọng hoàn toàn những yếu tố căn bản của nguyên tắc Rule of law; hoặc họ phải công nhận trước nhân dân là họ không chấp nhận dân chủ và cai trị bằng chế độ “Giả Pháp Quyền” (Rule by law) như họ đang thực hiện.
Luật gia Nguyễn Tường Tâm
Giải đáp câu hỏi của một nữ sinh viên luật trong nước gửi các luật gia hải ngoại về từ ngữ liên quan textile sourcing , wholesale salwar suit catalogue ,