DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Tin Xã Hội » Lạm phát tiếp tục phi mã


Lạm phát tháng 5 lên tới 19,78% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến mục tiêu của Chính phủ có nguy cơ phá sản.
Đây được nói là mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi nay và cũng cao nhất châu Á.
Hồi đầu tháng, tại một cuộc họp trong Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc tuyên bố Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ cố gắng giữ lạm phát năm nay ở mức tương đương với 2010, tức là khoảng 11,75%.
Ông Phúc nói: "Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Chúng tôi không còn ưu tiên hóa mức tăng trưởng GDP. Chúng tôi muốn giữ GDP ở mức hợp lý, có thể chấp nhận được trong tình hình lạm phát như hiện nay".
Tuy nhiên, chỉ số CPI tháng 5 tăng 2,21% so với tháng trước, chỉ giảm chút đỉnh so với mức lạm phát tháng 4 là 3.32%.
Một số chuyên gia tính toán rằng như vậy mục tiêu 11,75% cho cả năm nếu muốn thực hiện thì từ nay tới cuối năm, mức tăng CPI các tháng đều phải dưới 0%, một điều gần như không thể đạt được.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC: "Lạm phát cao là thứ thuế vô hình đánh vào mọi người dùng tiền Việt Nam, người càng nghèo thì tỷ lệ thuế lạm phát so với thu nhập càng lớn".
So với tháng 12/2010, CPI tăng là 12,07%. Lý do chủ yếu do tăng giá lương thực thực phẩm, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Nhập siêu tháng 5/2011 lên cao nhất trong vòng 17 tháng qua, khoảng 1,7 tỷ USD. Mức nhập siêu này cũng đã làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, gây sức ép lên lạm phát.
Lạm phát cao là thứ thuế vô hình đánh vào mọi người dùng tiền Việt Nam, người càng nghèo thì tỷ lệ thuế lạm phát so với thu nhập càng lớn.
TS Lê Đăng Doanh
Tiến sỹ Doanh nhận định: "Lạm phát đã lên đến 20% nhưng lãi suất trần cho tiền gửi do NHNN Việt Nam ấn định chỉ có 14%, tức là lãi suất âm, nên huy động dân gửi tiền tiết kiệm càng khó hơn".
"Các Ngân Hàng Thương Mại đã phải nâng lãi suất huy động lên đến 18-19% và lãi suất cho vay lên đến 27-28%, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Rủi ro ngân hàng và rủi ro doanh nghiệp đều lớn."

Chính sách kinh tế

Chính phủ Việt Nam đang đối diện áp lực ngày càng tăng trong việc giải quyết các bất cập của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán đã sụt giảm trong chín phiên liên tiếp.
Từng là một trong các quốc gia đang phát triển được kỳ vọng nhiều, kinh tế Việt Nam giờ đang phải vật lộn với lạm phát, thâm hụt thương mại và niềm tin vào đồng tiền nội địa sút giảm.
Tuy nhiên, một số kinh tế gia lại cho rằng việc chỉ số CPI trong tháng 5 tăng ít hơn tháng 4 có thể là chỉ dấu chính sách chống lạm phát của Nhà nước "bắt đầu có tác dụng".
Cuối tháng Hai năm nay, trong Nghị quyết 11 chính phủ đã đưa ra một số biện pháp củng cố nền kinh tế, như giữ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, thâm hụt ngân sách dưới 5% GDP...
Một cuộc đình công
Giá cả tăng làm các cuộc đình công ngày càng nhiều
Báo Wallstreet Journal ấn bản Á châu trích lời ông Lê Thẩm Dương từ trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nói: "Tôi nghĩ Chính phủ không cần thắt chặt thêm chính sách tiền tệ nữa vì các biện pháp đưa ra từ tháng Hai đã bắt đầu có hiệu quả".
Ông nói thêm:"Chỉ số giá cả tháng 6 sẽ còn tiếp tục giảm, vì không có yếu tố nào đẩy giá lên cao nữa".
"Giá điện, than và xăng đều đã tăng, cũng như mức lương tối thiểu."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội thì khuyến cáo "phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết 11, cụ thể là tiết kiệm ngân sách và cắt giảm đầu tư công phải quyết liệt hơn, vì mặc dầu đã cắt giảm theo nghị quyết sau bốn tháng 2011, tổng vốn đầu tư công đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước".
"Các biện pháp trợ giúp người nghèo phải trực tiếp và có hiệu quả hơn so với việc đầu tư tiền ngân sách TPHCM vào 'bình ổn giá', không đến tay người nghèo."
Ông cho rằng nếu không có các biện pháp đồng bộ, có hiệu lực để cắt giảm nhập siêu, bội chi ngân sách, ổn định tình hình ngân hàng thì tình hình có thể sẽ phức tạp hơn.
"Tăng trưởng sẽ giảm sút trong khi lạm phát cao và các mất cân đối vĩ mô vẫn còn đó. Đó là kịch bản cần tránh và có thể tránh được."
BBC

0 nhận xét

Đăng một nhận xét