Screen capture VietSOH - Công an đang giải tán các học viên Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám /TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. |
Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người tập Pháp luân công ở Việt Nam lên tiếng phản đối những hành động đàn áp của chính quyền đối với họ.
Vậy Pháp luân công ở Việt Nam đã phát triển thế nào và vì sao chính quyền đàn áp những người theo Pháp luân công?
Phương pháp tập luyện thân thể và tinh thần
Có thể nói phong trào tập Pháp luân công ở Việt Nam xuất hiện từ khá sớm, chỉ khoảng 7 hay 8 năm sau khi phong trào này xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1992. Những người tập Pháp luân công ở Việt Nam cho rằng đây là một phương pháp luyện thân thể và tinh thần rất hữu ích giúp họ sống hòa đồng với xã hội, và có sức khỏe tốt. Có lẽ cũng chính vì vậy mà số người theo tập môn phái này tăng khá nhanh trong thời gian gần đây, ước tính khoảng hơn 1,000 người.
Cho đến giờ không ai biết chắc chắn phong trào tập Pháp luân công ở Việt Nam bắt đầu chính xác vào thời gian nào nhưng nhiều người theo Pháp luân công ở Việt Nam cho rằng 2 người Việt Nam đầu tiên tập Pháp luân công trong nước là Nguyễn Nam Trung ở Sài Gòn và Trần Ngọc Trí ở Hà Nội. Cả hai người đều biết đến bộ môn này lần đầu tiên qua mạng internet. Nguyễn Nam Trung tập Pháp luân công từ khoảng năm 1998 khi đang theo học đại học bên Mỹ. Còn Trần Ngọc Trí biết đến Pháp luân công vào khoảng năm 2000. Nhận xét về ích lợi của môn học này, anh Trần Ngọc Trí cho biết:
“Về cá nhân tôi, do mục đích là tìm hiểu về tâm linh, hồi đó tôi tu luyện về Phật giáo thì mình đến ngưỡng đó thấy rất khó tiến bộ. Sau này tôi tìm hiểu và thấy Pháp luân công này cũng hướng dẫn, đề cao tâm tính và có con đường tâm linh dành cho nguời vẫn ở trong cuộc sống xã hội bình thường, không xuất gia, cách đối nhân xử thế trong xã hội thế nào thì tôi theo. Tôi đạt được mục đích đấy.”
Sau này tôi tìm hiểu và thấy Pháp luân công này cũng hướng dẫn, đề cao tâm tính và có con đường tâm linh dành cho nguời vẫn ở trong cuộc sống xã hội bình thường, không xuất gia, cách đối nhân xử thế trong xã hội thế nào thì tôi theo.Anh Trần Ngọc Trí
Sau khi học Pháp luân công qua mạng và sách, thấy có hiệu quả, anh Trí đã giúp mẹ, vợ, 2 con và những người quan tâm cùng tập luyện. Anh cho biết mọi người theo tập môn phái này đều cảm thấy lợi ích rõ ràng.
Nguyễn Nam Trung sau khi về Việt Nam vào khoảng năm 2000 cũng đã giúp phổ biến phong trào tập Pháp luân công tại Sài Gòn.
Từ đó, những người tập Pháp luân công ở Việt Nam bắt đầu tập trung lại theo nhóm để tập tại nhà, hoặc ngoài công viên. Có người chọn tập qua sách, qua internet một mình, có người thích tập thành nhóm theo lớp. Tất cả đều tự nguyện và không mất tiền.
Đã có một thời gian từ năm 2000 đến trước 2006, những người tập Pháp luân công ở Việt Nam thấy việc luyện tập của họ khá bình thường. Cứ sáng sáng những nhóm người mang đài ra công viên để tập theo băng mà không gặp khó khăn gì. Việc đàn áp bắt bớ những người theo Pháp luân công tại Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến họ.
Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc đã có chính sách đàn áp bắt bớ những người theo Pháp luân công. Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi đây là một tà đạo cần phải dẹp bỏ.
Bắt đầu từ năm 2006, những người theo Pháp luân công ở Việt Nam đã gặp những sách nhiễu đầu tiên từ phía chính quyền. Anh Phạm Thành Trung, một người tập Pháp luân công từ năm 2008 ở Hà Nội cho biết:
“Từ năm 2006, có nhiều trường hợp gây khó dễ. Từ năm 2006 họ gây can nhiễu. Lúc đó Pháp luân công mới bắt đầu mạnh lên. Các hành động của họ rất nặng, họ đến không cho tập, rồi bắt về đồn, rồi họ về nhà lục lọi máy tính, sách vở, họ gây áp lực với gia đình.”
Cảnh sát Việt Nam đang bắt các học viên Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám/TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. Source video của VietSOH.net. |
Cảnh sát Việt Nam đang bắt các học viên Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám/TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. Source video của VietSOH.net.Gia đình anh Nguyễn Ngọc Trí cũng gặp những sách nhiễu từ chính quyền. Anh nói:
“Hồi năm 2006, nhà mẹ tôi ở Thành Công có một nhóm đọc sách hàng tuần, về sau có công an đến, cả công an phường hạch sách. Mẹ tôi sau cũng ngại, cụ ở mỗi một mình mà họ đến hạch sách thì ngại quá, sau đó nhóm đó tan.”
Anh Trí cho biết đã có học viên đến học tại nhà anh khi về bị công an bắt và đánh đập. Công an cũng đến tận công ty của anh Trí làm để gây sức ép lên giám đốc cơ quan anh, bắt anh nghỉ việc mà không thành.
Từ khoảng năm 2009, những người theo Pháp luân công ở Việt Nam bắt đầu có những hoạt động phản đối chính sách đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với những người theo Pháp luân công tại nước này. Hành động phản đối được những người theo Pháp luân công Việt Nam thực hiện thường là tọa thiền trước cổng đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội. Một số người in tờ rơi nói về những hành động đàn áp của chính quyền Trung Quốc. Những hoạt động này của những người theo Pháp luân công ở Việt Nam không được chính quyền chấp nhận. Anh Trần Ngọc Trí cho biết:
“Hoạt động ngồi trước đại sứ quán là thế này, mình ngồi không mang biểu ngữ, không hô khẩu hiệu, mình mặc áo vàng thôi. Họ không bắt. Mới đầu họ đến dọa, lần đầu họ bắt lên xe đưa về phường, nhưng sau mọi người vẫn ngồi đó về sau họ không thấy có cơ sở pháp lý để bắt. Hiện nay thì mình vẫn ngồi đó, thì tự nhiên có người chạy qua và ném mắm tôm vào, làm người mình hôi rinh cả lên và mình phải đi về.”
Anh Trí cho biết những người phát truyền đơn thì bị bắt giữ về đồn, và phải nộp phạt.
Gần đây nhất vào hai ngày 6 và 8 tháng 10, một số người theo Pháp luân công ngồi thiền ở trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài gòn cũng bị công an bắt giữ.
Chịu sức ép của Trung Quốc
Học viên Pháp Luân Công Tung Quốc tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Hyde Park ở Sydney ngày 6 Tháng Chín 2007. Ảnh minh họa. AFP photo. |
Học viên Pháp Luân Công Tung Quốc tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Hyde Park ở Sydney ngày 6 Tháng Chín 2007. Ảnh minh họa. AFP photo.Vào tháng 6 năm 2010, chính quyền Việt Nam bắt giữ hai người tập Pháp luân công ở Hà Nội là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành. Hai người bị cáo buộc tội đưa trái phép thông tin lên mạng viễn thông. Từ năm 2009 đến tháng 6 năm 2010 tức là trước khi bị bắt, hai người này đã truyền phát sóng các chương trình của đài phát thanh Hy Vọng vào Trung Quốc. Đây là các chương trình tin tức liên quan đến tình trạng đàn áp Pháp luân công tại Trung Quốc.
Vào tháng 4 vừa qua, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới ra thông cáo cho rằng việc bắt giữ 2 người này của chính phủ Việt Nam là do chịu sức ép từ chính phủ Trung Quốc.
Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có một văn bản pháp luật chính thức công khai cấm việc tập luyện Pháp luân công. Tuy nhiên trong một văn bản lưu hành nội bộ của Bộ công an vào năm 2009 được tung lên mạng người ta có thể thấy được cách nhìn nhận của chính quyền đối với Pháp luân công tại Việt Nam. Trong phần nói về chủ trương và công tác đấu tranh, văn bản viết: ‘Hoạt động tuyên truyền phát triển Pháp luân công ở Việt Nam gắn với các hoạt động tuyên truyền chống đảng cộng sản, chính phủ Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc. Xác định Pháp luân công là một tổ chức tà đạo, chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo ngăn chặn Pháp luân công ở nước ta, tránh phức tạp với Trung Quốc và nội bộ’.
Ông Levi Browde, Giám đốc điều hành Trung Tâm thông tin Pháp luân công có trụ sở tại Hoa Kỳ nói:
Chúng tôi có những dẫn chứng cho thấy có ảnh hưởng từ đảng cộng sản Trung Quốc và họ hy vọng là sẽ ép được các nước láng giềng hợp tác để nói cùng điều với những gì họ nói.Ông Levi Browde
“Theo những gì tôi biết từ những người luyện tập Pháp luân công từ bắc chí Nam ở Việt Nam thì tình hình khá khó khăn trong những năm gần đây. Chúng tôi có những dẫn chứng cho thấy có ảnh hưởng từ đảng cộng sản Trung Quốc và họ hy vọng là sẽ ép được các nước láng giềng hợp tác để nói cùng điều với những gì họ nói.”
Đã có những thư kêu cứu của những người theo Pháp luân công ở Việt Nam gửi ra nước ngoài, lên án hành động truy bức của chính quyền đối với họ, như trường hợp gần đây nhất vào hồi đầu tháng 10 của anh Phạm Xuân Giao, chị Nguyễn Thu Liễu, anh Vũ Văn tĩnh, và anh Hà Văn Dũng ở tỉnh Long An. Những người này tố cáo chính quyền địa phương ngăn cản họ tập Pháp luân công, bắt họ phải dời chỗ ở của mình.
Tuy vậy, anh Nguyễn Nam Trung, người được coi là theo Pháp luân công đầu tiên ở Việt Nam lại cho rằng những người bị chính quyền bắt bớ, giam giữ đều đã vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm điều dạy trong Pháp luân công:
“Quan điểm của tôi là làm thì tôi tuân thủ theo nội quy của môn phái. Trong môn phái thì người sáng lập dặn rõ là học viên Pháp luân công phải chấp hành nghiêm túc luật pháp quốc gia, tôi nói thật là nếu có ra đó ngồi thiền thì phải ra đăng ký với chính quyền, một ngày hai ngày không được thì phải cố cho được thì hẵng ngồi đó.
Tôi khuyên các bạn như vậy. Chúng ta phải vận dụng hình thức gì phù hợp với pháp luật chứ không thể vi phạm pháp luật được.”
Anh Nguyễn Nam Trung nói anh không gặp khó khăn với chính quyền khi tập Pháp luân công. Anh cho rằng những người tập trung ngồi thiền đã vi phạm nghị định 38 của chính phủ về tập trung đông người. Đây cũng là nghị định mà chính quyền Hà Nội áp dụng khi tìm cách đàn áp những người biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc lấn biển đảo trong nhiều tháng qua.
Học viên Pháp Luân Công Tung Quốc tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Hyde Park ở Sydney ngày 6 Tháng Chín 2007. Ảnh minh họa. AFP photo. |
Học viên Pháp Luân Công Tung Quốc tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Hyde Park ở Sydney ngày 6 Tháng Chín 2007. Ảnh minh họa. AFP photo.Ông Levi Browde nhận định ý kiến cho rằng những người này đã vi phạm luật khi phản đối ôn hòa hay phát tờ rơi là điều vô lý:
“Tôi hiểu là những hành động mà những người theo Pháp luân công ở Việt Nam thực hiện không có gì là phạm pháp mà phải chịu đàn áp. Chúng ta không nói về những người đang cướp bóc, ăn trộm các cửa hiệu, mà chúng ta đang nói về những người tọa thiền hòa bình.”
Bất chấp những sách nhiễu từ phía chính quyền, nhiều người theo Pháp luân công ở Việt Nam vẫn tiếp tục học môn phái này. Anh Trần Ngọc Trí nói rằng những lợi ích mà những người tập Pháp luân công có được là có thực và vì vậy không có khó khăn, trở ngại nào có thể làm họ thay đổi niềm tin của mình.
RFA
0 nhận xét