DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Phân Tích » Libya: Mô hình cho Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương?

thedailybeast.com
Trước tiên người viết xin so sánh hai sự kiện xảy ra trong cùng một tuần: nhà độc tài Gaddafi bị bắn chết ở Libya, và Hoa Kỳ loan báo cuộc triệt thoái quân đội toàn diện khỏi Iraq trước năm 2012.

Màn cuối chưa hạ nhưng đến nay Hoa Kỳ chỉ tốn 2 tỷ USD cho Libya so với 1000 tỷ USD vào Iraq.

Mỗi xứ dĩ nhiên có nhiều điểm khác nhau, nhưng cả hai Gaddafi và Saddam Hussein đều là những nhà độc tài bị thế giới cô lập. Mỹ có cùng các đồng minh tại Âu Châu và Trung Đông trong hai hoàn cảnh. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập là ngọn sóng đẩy mạnh cuộc nổi dậy tại Libye, trong khi trước năm 2003 Hoa Kỳ được ngưỡng mộ là siêu cường tuyệt đối nắm ngọn cờ thay đổi cho toàn thế giới.

Chính quyền lâm thời của Lybie hiện có nhiều quan hệ tích cực với Tây Phương. Còn tại Iraq, việc lính Mỹ rút lui toàn diện tạo cơ hội cho Iran và Thổ có cơ hội bành trướng thế lực vào Trung Đông. Iran hiện còn nhiều khó khăn và chia rẻ nội bộ nên chưa chắc họ sẽ thành công, nhưng đối với Mỹ nơi một khu vực mà thế lực đi đôi với thực lực thì đây là một canh bạc cháy túi do George W. Bush khai màn: tốn kém 1000 tỷ USD, trên 4 ngàn lính thiệt mạng, uy tín quốc tế hao mòn – cuối cùng chỉ giúp mang thêm lợi thế về đối phương.

Bài học tại Lybie có thể là một mô hình cho sự tái hiện diện của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương – khu vực này trải rộng từ Đông Á cho đến Ấn Độ Dương như được mô tả trong bài viết của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trên tạp chí Foreign Policy 10-2011.

Thực tế cho thấy Hoa Kỳ sẽ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trên dưới 10% trong lúc Trung Quốc tiếp tục tăng cũng khoảng 10% trong 10 năm tới đây. Dù hiện chi 6 lần nhiều hơn nhưng Mỹ phải dàn trải khắp thế giới, tiền lương và các dịch vụ xã hội cho quân nhân cùng phí tổn vào vũ khí mới cao hơn rất nhiều so với Hoa Lục – nên không tránh khỏi đến năm 2020 Trung Quốc sẽ thật sự là một thách thức cho Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Nhưng nếu cộng thêm nền quốc phòng hùng mạnh của các đồng minh Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc thì Hoa Lục không thể là đối thủ.

Hai yếu tố kinh tế – chính trị còn quan trọng hơn cả quân sự: những nước đồng minh này đều ở trong thế “đu dây” một mặt kềm chế tham vọng bành trướng nhưng vẫn cần thiết phải duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Hoa Lục. Không nước nào, kể cả Mỹ, muốn chính thức thành hình hay gia nhập một liên minh vây quanh và cô lập Trung Quốc vì sẽ gây ra muôn ngàn xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu. Riêng đối với hiệp hội ASEAN lại càng phức tạp vì sức hút của nền kinh tế lớn vào các nền kinh tế nhỏ, cùng các liên hệ chính trị ràng buộc vào những quốc gia trong khối.

Đã qua rồi giai đoạn Hoa Kỳ có uy thế áp đảo và bảo đảm được cây dù an ninh cho toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nhiều nước nay trở nên hùng mạnh và tự tin, cho dù cần đến sự hiện diện của Mỹ nhưng vẫn có quyền lợi riêng cùng các quan hệ hổ tương trong khu vực và đối với Trung Quốc

Vai trò của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương – giống như tại Lybia nhưng trên một điạ bàn vô cùng rộng lớn – là dựng một cái sườn nhưng không phải nhất thiết ra mặt chủ động can thiệp trong mọi hoàn cảnh (vì chẳng ai khuyến khích, và Mỹ cũng không đủ hiểu biết đặc tính đa dạng về lịch sử, văn hoá và xã hội của từng địa phương để có chính sách phù hợp).

Việc các tàu chiến Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật viếng thăm Đông Nam Á cùng các công ty hợp tác tìm tòi và khai thác tài nguyên trong vùng nằm trong tiến trình nói trên, rằng Thái Bình Dương là một khu vực quốc tế chớ không còn nằm trong quyền kiểm soát của một hay hai siêu cường.

Vấn đề kế tiếp là nâng đỡ cho Đông Nam Á thành hình một vùng mậu dịch tự do. Trong hoàn cảnh Âu-Mỹ-Nhật bị suy thoái kinh tế và giảm sức mua còn các nền kinh tế khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và ASEAN phát triển nhờ xuất cảng thì một cuộc khủng hoảng cùng các áp lực mậu dịch từ nước lớn xuống các nước nhỏ rất có thể xảy rạ. Hoa Kỳ cần phối họp với các cơ quan tài chánh quốc tế cùng các cường quốc kinh tế trong vùng chuẩn bị biện pháp can thiệp để ASEAN không bị riêng một thế lực nào thao túng, chia rẽ và áp đảo.

Các vấn đề xã hội cũng quan trọng không kém: khi đời sống khó khăn, khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh thì các nhà cầm quyền của những nước độc tài có khuynh hướng thổi phồng nhằm chuyển hướng các bất mản của quần chúng sang đối ngoại. Vì thế Hoa Kỳ và các cường quốc không thể chỉ quan tâm đến kinh tế và địa chính trị mà phải yểm trợ tích cực cho các phong trào dân chủ cùng những nổ lực chống tham nhũng và giảm bớt đặc quyền của giới ưu đãi. Đây cũng là cơ hội để nâng cao mức sống của quần chúng và chuyển đổi các nền kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội điạ.

Nhưng dù áp dụng quyền lực mềm vẫn phải có sức mạnh hổ trợ: sự hiện diện của hạm đội 6 và 7, các căn cứ quân sự tại Đông Bắc và Nam Á, những chương trình trao đổi quân sự, và nhất là lập trường sáng tỏ và không thay đổi yểm trợ cho các công ước và tập quán quốc tế.

Thử thách lớn, quyền lực bị giới hạn nhưng lại là cơ hội để Hoa Kỳ phát huy các lợi thế hiếm có: một siêu cường duy nhất không mang tham vọng lãnh thổ, cùng ngọn cờ xã hội mở rộng và tự do (free and open society) hướng đến tương lai.

© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
Tags: Phân Tích

0 nhận xét

Đăng một nhận xét