DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Tin tức Công Giáo » Giáo hội Công giáo Việt Nam thêm một lần lỡ hẹn

Giáo hội Công giáo Việt Nam thêm một lần lỡ hẹn


Một tiếng nói của Giáo hội Công giáo lúc này thật sự là cần thiết, không chỉ cho sự hiệp nhất trong Giáo hội mà còn là cho sự an nguy của Giáo hội và Đất nước trước hiểm họa Bắc triều.
Nhưng ai là người có thể làm được điều này nếu không phải là Hội Đồng Giám mục Việt Nam?
Những ngày đầu tháng 6 này, cả dân tộc Việt Nam phẫn nộ vì sự ngang ngược của Trung quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền Trung cộng đã hai lần cho tầu cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam, biến Biển đông thành “ao nhà của Trung quốc”, nhất là cố tình biến vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam thành “vùng biển tranh chấp” có lợi cho Trung quốc.
Trước nguy cơ ngoại xâm lâm le bờ cõi, toàn dân tộc Việt Nam đã bày tỏ sự phản kháng quyết liệt bằng hai cuộc xuống đường biểu tình ôn hòa tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn vào các ngày Chúa nhật 5/6 và 12/6, tạo nên một sự kiện lịch sử chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam kể từ ngày cộng sản lên nắm quyền.
Trong bối cảnh cả dân tộc cùng thao thức trước hiểm họa ngoại xâm, ngay cả các phương tiện truyền thông “lề phải” vốn vẫn nhu nhược mỗi khi nhắc tới Trung Quốc, đều đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thì hầu như cả Giáo hội Việt Nam như thể đứng ngoài cuộc, ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Hàm Long thắp nến cầu nguyện và một số giáo dân tự phát tham gia trong hai cuộc biểu tình. Giáo hội Việt Nam tiếp tục đánh bài “lên tiếng hay không lên tiếng” và hoàn toàn nín lặng khi Tổ quốc lâm nguy.
Từ trước tới nay, trước những vấn nạn xã hội được cho là nhạy cảm như dân oan, nhân quyền, tài nguyên khoáng sản… các vị lãnh đạo Giáo hội thường lấy lý do “không dính tới chính trị” để thoái thác tiếng nói ngôn sứ của mình, hay mỗi khi phải giải đáp cho cộng đoàn tín hữu những vấn đề liên quan tới đất đai, tài sản Giáo hội đang bị chính quyền cộng sản cưỡng chiếm cách bất hợp pháp, thì các ngài thường khỏa lấp đi bằng cái chủ trương gọi là “đối thoại” để tự ru ngủ mình.
Những ngày này, trước những diễn biến phức tạp khó lường cho sự an nguy của dân tộc bởi hiểm họa Bắc triều, nhiều người đang tự hỏi Giáo hội Công giáo Việt Nam sao vẫn tiếp tục im tiếng? Phải chăng chính cái chủ trương “đối thoại” đang giết chết Giáo Hội, khiến Giáo hội Việt Nam buộc phải thu mình lại trong một tháp ngà đóng kín, xa rời dân tộc?
Giáo hội Công giáo Việt Nam bấy lâu nay vẫn coi Thư chung 1980, trong đó có châm ngôn: “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”, “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, là định hướng mục vụ cho cả Giáo hội, vậy tại sao khi tổ quốc lâm nguy,  Giáo hội Việt Nam vẫn “bình chân như vại”, coi đó không phải là chuyện của chính mình?
Mất đất nước là mất tất cả. Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam sẽ ra sao một khi đất nước rơi vào tay Trung cộng?
Giáo hội Công giáo Việt Nam có thực sự “đồng hành cùng dân tộc” như Giáo hội vẫn thường khuyến dụ con cái mình không khi mà cả xã hội đang thao thức cho sự an nguy của đất nước, thì Giáo hội Công giáo lại ngủ vùi trong chính cái tháp ngà do mình tạo ra bởi sự sợ hãi và nhu nhược?
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi tổ quốc đang lâm nguy, hơn lúc nào hết, đây đích thực là cơ hội để Giáo hội khẳng định mình luôn “đồng hành cùng dân tộc”, quyết tâm cùng mọi người dân đất Việt chung tay xây dựng và bảo vệ tổ quốc như số 9 của Thư chung 1980 đã nói:
Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.
Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính: Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.”
Tiếc rằng, những quyết tâm “tích cực cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc” mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn lựa làm hướng đi mục vụ cho mình, thể hiện cách rõ ràng trong Thư chung 1980, đã bị Giáo hội, cách riêng các vị lãnh đạo Giáo hội nhiều lần cố tình bỏ qua và lần này lại thêm một lần nữa lỡ hẹn.
Nhìn sang Giáo hội Công giáo Phi Luật Tân những ngày này, những người công giáo Việt Nam “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” không thể không chạnh lòng. Trước hiểm họa Bắc triều ngày càng ngang ngược, thay vì chọn thái độ “im lặng” giống như các giám mục Việt Nam, các giám mục Phi Luật Tân đã lên tiếng cảnh báo và kêu gọi các bên liên quan “hãy ngồi lại đối thoại với nhau trong hòa bình”. Vẫn biết trong vấn đề tranh chấp Biển đông mỗi quốc gia có những quyền lợi khác nhau và vấn đề giải quyết tranh chấp không đơn giản, nhưng ít ra các giám mục Phi Luật Tân đã cam đảm nói lên lập trường quan điểm của mình yêu cầu các quốc gia liên quan phải “luôn luôn tìm các phương cách hòa bình để giải quyết các vấn đề”, tránh đối đầu gây xung đột.
Nhiều người cho rằng, chính sự khiếp nhược trường kỳ của các vị lãnh đạo Giáo hội đã gây nên những nỗi bi thương trong lòng Giáo hội Việt Nam thời gian qua; đồng thời, cũng chính sự khiếp nhược ấy nơi hàng giáo sĩ khiến Giáo hội bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội Chúa ban để “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, và việc bỏ qua không tham gia lên tiếng bảo vệ tổ quốc dịp này là một cơ hội đã bị bỏ lỡ như vậy?
Đây quả là điều đáng tiếc, bởi trong thực tế, nhiều người đã nhận định rằng, hai cuộc biểu tình vừa qua tại hai thành phố lớn không những đã được chính quyền “ngầm ủng hộ” để lấy đó làm “điều kiện mặc cả với Trung quốc”, mà còn là cơ hội để Giáo hội Công giáo nhập cuộc, hòa mình với toàn dân trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
Thiết tưởng, đã tới lúc, Giáo hội Công giáo Việt Nam cần nhìn lại để có được những bước đi thích đáng trong sứ mạng “đồng hành cùng dân tộc, cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam thân yêu”, bởi vì đây không chỉ là bổn phận đòi buộc của người công dân trong một đất nước mà còn là đòi hỏi của Tin mừng, vì: “Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.
Một tiếng nói của Giáo hội Công giáo lúc này thật sự là cần thiết, không chỉ cho sự hiệp nhất trong Giáo hội mà còn là cho sự an nguy của Giáo hội và Đất nước trước hiểm họa Bắc triều.
Nhưng ai là người có thể làm được điều này nếu không phải là Hội Đồng Giám mục Việt Nam?
Nguồn: NVCL

0 nhận xét

Đăng một nhận xét