DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Tài Liệu » Sứ Giả Phấn Hưng - Tống Thượng Tiết (Dr. Sung)


LỜI GIỚI THIỆU
H
ội Thánh Tin Lành Việt Nam vừa qua giai đoạn hình thành (năm 1927) đã lo "phát triển mạnh và phát triển nhanh". Trong cuộc "phát triển" ấy, một thành phần mới gia nhập giáo hội vì những lý do thúc đẩy khác nhau: kinh tế, chính trị, tôn giáo v.v... nhưng không phải vì "tìm Chân Lý" hoặc tìm "Chúa Cứu Thế". Có những "phong trào quần chúng" (Mass Movements) theo các bản báo cáo lạc quan: có nơi đến 2.000 người gia nhập giáo hội, trong một năm – đến nỗi nơi đó được chỉ định tiếp Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội – và mời được Tiến sĩ Jonathan Goforth nổi danh là vị Sứ giả Phục hưng Trung Quốc làm diễn giả chính. Tuy nhiên, Mục sư Goforth đã buồn bã nhận định rằng: Trong các cuộc giảng Phục hưng suốt đời ông, chỉ có 2 địa điểm không được Phục hưng, lý do duy nhất là "sự ngăn trở nội bộ". Rất tiếc là một trong hai địa điểm đó là nơi họp Đại Hội Đồng Tổng Liên ở Việt Nam năm 1928.
Mười năm trôi qua trong tình trạng đó: cố gắng hoạt động thật nhiều nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Nhiều chi hội từ Bắc chí Nam bắt đầu cầu nguyện xin Chúa Phục hưng Hội Thánh. Các sinh viên, học viên Trường Kinh Thánh Đà Nẵng mặc dù học tập hết sức bận rộn, nhưng quyết định dành thì giờ mỗi buổi sáng tinh sương suốt 2 niên khóa 1936-1937 và 1937-1938 để thiết tha cầu xin Chúa Phục hưng Hội Thánh Việt Nam.
Chúa đã trả lời lời cầu nguyện đó, đúng theo lời hứa của Ngài, Chúa sai Tiến sĩ Tống Thượng Tiết (Dr. Sung) đến Viết Nam năm 1938, giảng Phục hưng tại Hà Nội, Vĩnh Long và Đà Nẵng. Thật Chúa Thánh Linh đã Phục hưng Hội Thánh Việt Nam. Hàng ngàn vị tín hữu và Mục sư, Truyền đạo đang tích cực phục vụ Chúa tại Việt Nam và hải ngoại đã nhìn nhận rằng họ đã gặp Chúa và được Chúa xoay hẳn hướng đi của cuộc đời họ trực tiếp hoặc gián tiếp do cuộc giảng dạy của Tiến sĩ Tống Thượng Tiết.
Năm 1938, người viết mới được 12 tuổi, nhưng đã được hân hạnh đến dự cuộc nhóm Phục hưng của Tiến sĩ Tống Thượng Tiết tại Đà Nẵng. MS Tống Thượng Tiết giảng suốt 6 ngày, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Một đêm, sau khi nghe Lời Chúa, về ‘Con Chiên Lạc Mất’ và đáp ứng lời kêu gọi của Chúa, người viết đã tiến lên trước tòa giảng, xin MS Tống Thượng Tiết cầu nguyện; và đã được tái sinh ngay đêm đó.
Năm 1959, một nhà sử đã sưu khảo tư liệu khắp Á Châu để viết một quyển tiểu sử của Tiến sĩ Tống Thượng Tiết – ông đã kết luận rằng: Hầu hết những người đang được Chúa đại dụng tại Đông Á và Đông Nam Á đều đã được Chúa tái sinh, kêu gọi và xức dầu Thánh Linh qua Tiến sĩ Tống Thượng Tiết.
Tạ ơn Chúa, nhờ một số anh chị em cố gắng dâng hiến tiền bạc, thì giờ, nên bộ tiểu sử Tống Thượng Tiết của tác giả Liêu Dực Lăng do ông Trần Quốc dịch thuật nay được ấn hành để phổ biến cho các Hội Thánh và Cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Xin Chúa Thánh Linh dùng tác phẩm này để ban phước dồi dào cho người đọc.
LỜI MỞ ĐẦU
"Chỉ có người Trung Hoa mới có lối suy nghĩ của người Trung Hoa. Chỉ có người Trung Hoa mới sử dụng được những cốt truyện, những ẩn dụ, những ngụ ngôn Trung Hoa để thuyết phục và làm cho say mê người nghe. Lối diễn đạt của người ngoại quốc khó có thể thuyết phục được người Trung Hoa và không thể biến Trung Hoa thành một quốc gia của Chúa Cứu Thế. Hàng ngàn hoặc hàng vạn giáo sĩ người Anh, người Mỹ sẽ không thể biến Trung Hoa thành một quốc gia Cơ đốc giáo. Chúng ta cần hàng ngàn, hàng vạn người Trung Hoa, những người Trung Hoa thực sự dâng trọn tấm lòng, thân thể và môi miệng cho Chúa. Chúng ta chỉ cần loại người này, không nhất thiết họ phải thông thạo Nho học. Nếu họ tinh thông Nho học thì lại càng quí, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ cần phải có lòng quả cảm, chân thành, có tinh thần dâng mình và là những con người khí khái, độc lập. Đã đến lúc chúng ta phải tìm ra một sứ đồ người Trung Hoa cho người Trung Hoa chính gốc Hoa, không là người ngoại quốc."
"Vị sứ đồ Trung Hoa này xuất hiện từ đâu? Có phải từ Thần học viện chăng? Xin thưa, vị này xuất hiện từ một nơi không ai ngờ. Như bao nhiêu sứ giả của Thượng Đế trước kia đã xuất hiện, chúng ta không biết, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho vị ấy mau đến. Cầu nguyện để khi người ấy đến thì sẽ giống như Giăng Báp-tít, làm vang dội cả đồng vắng, rúng động cả toàn quốc."
Những lời nói trên là của Edwin Joshua Duke, một giáo sĩ thuộc Anh quốc giáo được phái đến Phúc Kiến vào năm 1885. Năm mươi năm sau người sứ đồ Trung Hoa ấy đã xuất hiện và đã phát ra những tiếng kêu làm rúng động đồng vắng Trung Hoa. Ấy là một người Trung Hoa, một học giả uyên bác đã dâng trọn vốn liếng tri thức và cuộc sống của mình trên bàn thờ của Chúa, không giữ lại cho mình một chút gì. Người ấy can đảm không sợ hãi, không giả dối, không biết màu mè, chỉ biết cùng đi với Chúa. Người đã ra đi một mình với Chúa, và chỉ đặt tất cả niềm tin vào Chúa. Người không ỷ lại vào một thế lực nào ngoài Chúa. Người ấy chính là Mục sư Tống Thượng Tiết, người thôn Phủ Túc, huyện Phổ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Vị sứ đồ Trung Hoa này có một cá tánh rất đặc biệt, với một tâm tình thật nóng cháy, rất yêu linh hồn con người, nhưng lại không có sự hòa nhã của một Cơ đốc nhân thông thường. Người không có một hình dung tốt đẹp, diện mạo không khôi ngô, ăn mặc lại lôi thôi. Nhưng người lại là một học giả uyên bác, một khoa học gia lỗi lạc. Khi người truyền bá Phúc âm thì rất giản dị, dễ hiểu, không một chút phô trương về vốn liếng tri thức của mình.
Tống Thượng Tiết là người đã đề xướng sự thờ phượng trong gia đình. Nhưng chính ông lại đã rời khỏi gia đình mình, không bịn rịn để đi xa truyền bá Phúc âm. Lúc thuyết giảng ông thường múa may chân tay, la lớn tiếng, có khi làm cho người nghe cảm động muốn khóc, nhiều lúc lại khiến thính giả không nhịn được cười. Nhưng khi xuống khỏi tòa giảng, ông trở lại lầm lì, ít nói. Ông tới nơi vắng vẻ một mình, dưới mắt người khác ông là một người quái đản, kỳ khôi. Khi tiếp xúc với những người nước ngoài, đặc biệt là với các giáo sĩ và giáo sư thì có một liên hệ thật là thâm sâu, nhưng đối với người ngoại quốc nào có cung cách khách sáo thì ông phán rất gay gắt. Điều này có thể gây hiểu lầm ông là một người bài ngoại. Ông gớm ghê tội, đả phá và coi tội lỗi như kẻ thù. Nhưng điều làm cho người ta cảm động nhất, ấy là lòng từ ái của Chúa ở trong ông.
Là một nhà tổ chức thiên phú có biệt tài lãnh đạo, nhưng chính ông lại khước từ tổ chức, không thiết lập giáo hội, không thành lập giáo phái, không thích làm lãnh tụ. Bị nhiều người phê phán, nhưng ông coi thường mọi thị phi, không để ý đến vinh dự cá nhân. Ông được rất nhiều người thương yêu và đồng thời cũng bị rất nhiều kẻ chán ghét. Đó là những cá tính của nhà truyền đạo vĩ đại người Trung Hoa này – Mục sư Tống Thượng Tiết. Thoạt nhìn bề ngoài có vẻ như đầy mâu thuẩn, nhưng thật ra ông có một tâm hồn thật tuyệt diệu hài hòa.
Giống như Giăng Báp-tít, Tống Thượng Tiết qua đời trong tuổi tráng niên, hưởng thọ chỉ 43 tuổi. Hầu việc Chúa vỏn vẹn chỉ 15 năm. Thời gian tuy ngắn, nhưng khối lượng công việc thì không nhỏ, mà thành tích lại càng lớn lao hơn nữa. Trong vòng 15 năm ngắn ngủi ấy ông đã làm chấn động cả nước Trung Hoa, chấn động giáo hội cả ở miền Trung và khắp miền Đông Nam Châu Á.
Hàng ngàn người trong vùng đã tin nhận Chúa Cứu Thế sau khi nghe ông giảng. Giáo hội Trung Hoa sở dĩ còn đứng vững sau chiến tranh Trung – Nhật, công lao này phải qui vào quyền Chúa và Mục sư Tống Thượng Tiết. Đời sống tâm linh của những giáo hội đó không bị nao núng và sức sống thuộc linh của giáo hữu không bị khô cạn cũng là nhờ công lao khó nhọc của ông.
Tại Trung Hoa, hoặc các nước Đông Nam Á, trên nước Mỹ, nước Anh hay bất cứ một nơi nào có người Trung Hoa, nếu chúng ta trò chuyện với những tín hữu Cơ đốc người gốc Đông Nam Á, họ đều rất trìu mến khi nhắc đến Mục sư Tống Thượng Tiết. Rất nhiều người ngoại đạo đã tin nhận Chúa Cứu Thế khi nghe ông giảng: nhiều lãnh tụ Cơ đốc đã nản lòng lùi bước nhờ những bài giảng bồi linh của ông mà được trở lại nóng cháy, hăng hái tiến tới trên bước đường hầu việc Chúa. Nhiều nhà lãnh đạo giáo hội, vốn chỉ là hữu danh vô thực, và những người "theo đạo kiếm gạo", nhờ nghe những sứ điệp của ông đã trở thành những người có sức sống tâm linh thực sự, đầy dẫy Chúa Thánh Linh và trở nên những nhà truyền bá Phúc âm trung kiên của Chúa Cứu Thế. Những thành quả quí báu đó vẫn được tồn tại lâu dài.
BÀI GIẢNG LUẬN CỦA TỐNG THƯỢNG TIẾT
(LỜI NHẮN NHỦ)
Trong cơn đau ốm của người đầy tớ ngay lành, trung tín của Đức Chúa Trời.
Một trăm mười ba ngày trên giường bệnh này trong tâm linh tôi thấy rõ sự dìu dắt dạy dỗ của Chúa thật tỏ tường. Trước kia tôi đặt trọng tâm vào việc truyền giảng Phúc âm, bây giờ tôi thấy việc cầu nguyện mới là tối quan trọng. Thế giới thuộc linh đúng là vô hạn vô lượng. Người đầy tớ ngay lành trung tín của Chúa cần phải chú ý đến 12 điều sau đây:
  1. Đối với thế gian và xác thịt phải chết một cách trọn vẹn. Đối với tôi, điều tối quan trọng là chết thật sự: "Hiện nay tôi sống không phải là tôi sống nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi". Cái tôi chết đi là có ích cho tôi bội phần.
  2. Phải được mặc khải trực tiếp từ Chúa. Không chỉ truyền giảng suông, mà còn phải nói những dự ngôn mà chính Chúa đã khải thị cho biết. Không những chỉ nhận những mặc khải của Chúa Cứu Thế ở tấm lòng, mà còn phải bộc phát ra cả trong hành động, trong cuộc sống.
  3. Phải học thuần thục toàn bộ Thánh Kinh. Không dùng khôn ngoan riêng để đọc Kinh Thánh. Cũng không thuần chỉ dùng tri thức thần học để nghiên cứu Thánh Kinh. Nhưng Lời Chúa phải thực sự trở nên thức ăn để nuôi dưỡng và trở nên máu và thịt của chính mình. Cơ thể xác thịt đã thành Đạo là Lời Chúa. Thuận phục theo thánh ý mà phân giải Lời Ngài.
  4. Trong lúc cầu nguyện phải nghe được tiếng của Chúa, nhờ đó biết vâng phục sự hướng dẫn của Chúa qua lời Kinh Thánh. Gần gũi với Chúa để có sự tương giao thuộc linh. Mặt đối mặt với Chúa để nhận quyền năng Ngài để có thể chống trả quyền lực của Satan.
  5. Phải được thấm nhuần trọn vẹn Chúa Thánh Linh. Đôi chân được hướng dẫn chạy theo con đường vâng phục. Đầu gối đầu phục, biết quì cầu nguyện không ngừng. Biết lấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời là niềm vui và hạnh phúc. Chiếc lưng thấm nhuần sự ngay thẳng làm chứng cho chân lý. Bàn tay vâng phục biết tuân hành ý chỉ của Chúa. Môi miệng được thấm nhuần có lời nói xuyên thấu lòng người. Đôi mắt được thấm nhuần Chúa Thánh Linh thì phân biệt được mọi sự. Lỗ tai thấm nhuần, nghe được tiếng phán êm dịu của Chúa. Mặt mày thấm nhuần Chúa Thánh Linh sáng rực như mặt thiên sứ. Đầu óc thấm nhuần Chúa Thánh Linh sẽ không còn thành kiến nào. Tấm lòng được thấm nhuần sẽ lấy lòng Chúa làm lòng mình. Toàn thân được thấm nhuần sẽ phản chiếu vinh quang đẹp đẽ của Đức Chúa Trời.
  6. Phải có tấm lòng tràn đầy tình thương tha nhân, nhìn thấy con người đang bị hư vong, thì lòng nóng cháy như thiêu đốt. Hãy bắt chước Chúa Cứu Thế liều mạng sống mình cho bằng hữu mình. Thà mất cả thế gian mà cứu được linh hồn con người. Sứ đồ Phao-lô đã xem việc truyền giảng Phúc âm như một món nợ phải trả: "Nếu không truyền bá Phúc âm là một tai họa cho tôi".
  7. Phải can đảm nêu cao thập tự của Chúa Cứu Thế, không cậy vào lý giải, chủng tộc hay luật pháp mà gây chia rẽ.
  8. Cầu nguyện là một vấn đề thường xuyên và cấp bách, quyền năng lớn lao của Đức Chúa Trời được bày tỏ không khi nào tách rời khỏi sự cầu nguyện trên lầu cao. Người tín hữu được thấm nhuần. Nước Sống sẽ đương nhiên được biểu lộ ra nhiều ân tứ. Không có người dạy chân lý của Hội Thánh nhưng có sự khai mở Hội Thánh; không có người đề xướng đi các phương trời xa để truyền bá Phúc âm, nhưng Philíp nghe được tiếng Chúa đi vào nơi đồng vắng để giảng dạy về Chúa Giê-xu cho quan thái giám; Không có người đặt trọng tâm vào nói tiếng lạ, nhưng họ biết nói tiếng lạ; Không có người chỉ dạy khuôn mẫu của cuộc sống, nhưng họ biết sống thương yêu nhau; không có người truyền dạy Phúc âm xã hội, nhưng họ biết cứu giúp cô nhi quả phụ; Không có người kêu gọi dâng hiến, đóng góp, nhưng họ đã bán cả gia sản để coi như của chung... Những ân tứ này đều đầy dẫy trong họ sau khi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Có thể nói, tất cả những gì họ được từ trong Đức Thánh Linh không tách rời khỏi sự đồng tâm khẩn thiết cầu nguyện trên lầu cao.
  9. Vác thập tự giá cách nhẫn nhục và vui lòng. Với một tấm lòng chịu đựng gian khổ, không lấy Phúc âm làm điều xấu hổ cho mình. Bắt chước sự hy sinh của Chúa Cứu Thế. Không cầu danh lợi, chỉ xin được sống sung mãn trong Chúa Cứu Thế.
  10. Nhìn biết được quỷ kế của Satan. Có khả năng phân biện chân giả. Dám đứng vào những nơi hư nát của Hội Thánh để gánh vác những công việc khó khăn nhất, mạnh dạn bảo vệ chân lý sống.
  11. Đầy dẫy lòng yêu thương, sẵn sàng hợp tác với những người đang hầu việc Chúa. Không tự xây cho mình một tháp Babên. Không chia bè, lập phái. Những việc lấy làm tốt đẹp phải để ý mà làm. Không kể là việc của người này hay người nọ, chỉ cần Phúc âm của Chúa Cứu Thế được rao ra thì phải thấy lòng mãn nguyện. Phải đồng tâm hiệp ý cho Phúc âm được phát triển, số người được cứu gia tăng, cầu xin danh của Chúa được tôn vinh.
  12. Tỉnh thức chờ đợi Chúa trở lại. Nhẫn nại giữ đạo Chúa trong cơn thử thách. Trong mọi hoàn cảnh đều phải biết ngợi khen Chúa. Trung tín cho đến chết.
Hỡi các anh chị em, tôi hằng cầu nguyện cho Hội Thánh trong nước và ngoài nước. Cầu xin Chúa đào tạo thật nhiều những con người phục vụ Chúa, những người đầy tớ đẹp lòng Chúa là 2 nhiệm vụ của tôi nhận lãnh từ nơi Chúa sau khi đã cầu nguyện hơn 100 ngày. Người Truyền đạo của Đức Chúa Trời nên tìm dịp đến những nơi thanh vắng để suy gẫm học hỏi Lời Chúa, sẽ thấy được những gì tôi đã thấy và sẽ được những gì Chúa muốn cho người đó được.
Đó là lời thuật lại của Tiến sĩ John Sung Tống Thượng Tiết đang nằm trong lòng Chúa.
MS Lê Hoàng Phu
Tags: Tài Liệu

0 nhận xét

Đăng một nhận xét