DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Ngày Yêu Nước » Hẹn một ngày giành lại Hoàng Sa

Hôm nay tại Việt Nam, những ngày biểu tình nóng bỏng đã lắng dịu nhiều, những ngày hồi hộp, đợi chờ đã qua đi. Cỗ xe ngựa già nua lại tiếp tục lăn đôi bánh nặng nề đưa 83 triệu dân Việt Nam chậm chạp đi về phía trước. Dù sao, đối với những người Việt Nam có mặt trong các cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 và những ngày sau đó tại Hà Nội, Sài Gòn, sẽ là một ngày khó quên trong đời. Sau này khi về già, các bạn trẻ hôm nay ít nhất có một điều hãnh diện để kể lại cho con, cho cháu. Ngày 9 tháng 12 năm 2007 cũng sẽ đi vào lịch sử như là ngày tuổi trẻ đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước ngay giữa lòng chế độ độc tài. Mặc dù số người trẻ tham gia biểu tình còn rất ít so với thế hệ trẻ tại Việt Nam nhưng đó là những bước đầu tích cực. Dăm con én không làm nên mùa xuân nhưng là tin vui cho chúng ta biết mùa xuân đang đến.

Tuổi trẻ Việt Nam đã đứng lên, không nhân danh một ý thức hệ, một chủ nghĩa nào mà chỉ vì lòng yêu nước thiêng liêng trong sáng. Các em đã giảng cho ba vạn ông bà tiến sĩ, 890 ông bà hội viên Hội Nhà văn, 493 ông bà đại biểu Quốc hội thế nào là sự khác nhau giữa lòng yêu nước thuần khiết chân thành và yêu nước theo chỉ thị, nghị quyết. Các em cũng nhắc cho giới lãnh đạo Đảng biết rằng một ngàn năm sống trong bóng tối không làm dân tộc Việt Nam mù mắt thì ba mươi ba năm trong triết học Mác-Lê làm sao có thể thui chột đi tình yêu nước thiết tha trong lòng người dân và nhất là trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Nghĩ đến lịch sử là nghĩ đến những điều kỳ diệu, là nghĩ đến sức sống của dân tộc mình. Đất nước bốn ngàn năm nhưng vẫn còn rất trẻ bởi vì lịch sử dân tộc ta đã, đang và sẽ được viết từ bàn tay tuổi trẻ. Không phải chỉ một Phù Đổng Thiên Vương ngồi trên ngựa sắt, một Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, một Trần Quốc Toản phá cường địch báo hoàng ân mới được gọi là trẻ, mà bao nhiêu anh hùng dân tộc đã đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực chính trị, quân sự quốc gia ngay khi còn trong tuổi 20. Trần Hưng Đạo mới 27 tuổi đã đem đại quân ra bảo vệ biên giới phía bắc và góp phần quan trọng trong việc đánh bại quân Nguyên lần thứ nhất. Nguyễn Huệ đã xuất hiện như lãnh đạo chính thức của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khi mới vừa 23 tuổi. Và còn bao nhiêu nữa, bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã âm thầm dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ nắm đất nhuộm bằng máu và nước mắt của tổ tiên.

Theo dõi các blog từ trong nước, tôi được biết nhiều em đã thét lên trong căm giận “Tần Cương câm miệng lại!” Vâng, sự phẫn nộ là điều đúng nhưng nghĩ cho cùng các lời tuyên bố đầy trịch thượng của Tần Cương mới đây: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa” chỉ có giá trị với giới lãnh đạo Đảng mà thôi. Những lời phát biểu ngông cuồng, nước lớn đó chẳng những không có một giá trị gì đối với dân tộc Việt Nam mà chỉ làm sục sôi thêm lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Một nhóm nhỏ người đang nắm quyền cai trị dân tộc Việt Nam bằng súng đạn và nhà tù hôm nay không đại diện cho 83 triệu dân Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là đảo Việt Nam, là biển Việt Nam, là đất Việt Nam của hàng ngàn năm trước và sẽ của nhiều ngàn năm sau.

Như số phận một nước nhỏ, dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều hy sinh xương máu trong hàng trăm cuộc chiến bảo vệ đất nước qua các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần để chống lại các triều đại phong kiến Trung Hoa nói riêng và các thế lực xâm lăng từ phương Bắc nói chung đông hơn gấp nhiều lần, nhưng tổ tiên chúng ta luôn luôn thắng những trận cuối cùng và quyết định. Vinh dự biết bao khi được sinh ra trên một đất nước, nơi đó tên gọi của mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi gò đất cũng gợi lại trong lòng chúng ta niềm hãnh diện. Nhiều trăm năm qua đi nhưng tiếng thét của quân Nam anh hùng ở Chi Lăng, Bạch Đằng, Chương Dương, Ngọc Hồi, Đống Đa như vẫn còn nghe. Lời hịch của Hưng Đạo Vương: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm” hay của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn” như vẫn còn vang lên trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Sau bao nhiêu thăng trầm vận nước, Việt Nam vẫn còn là một dân tộc như Thượng tướng Trần Quang Khải dặn dò: “Thái bình nên gắng sức, non nước đấy ngàn thu”. Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc không biết điều đó. Họ không thuộc sử Việt Nam đã đành mà cũng không thuộc sử của chính nước họ.

Trung Quốc có nhiều lý do để khinh thường giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, những đàn em phản trắc, thuở bần hàn đã từng sống dưới sự che chở của đàn anh Trung Quốc, đã được Trung Quốc trang bị cho từng khẩu súng trường, được nuôi dưỡng bằng túi lương khô ngay trong thời kỳ hàng chục triệu dân Trung Quốc phải chết đói đầy đường, chẳng những thế, miền Bắc Việt Nam còn được bảo vệ bằng hàng trăm nghìn quân Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã oán trách trong buổi tiếp Lê Duẩn ngày 13 tháng 4 năm 1966: ”Phải chăng vì chúng tôi quá nhiệt tình đã làm cho các đồng chí nghi ngờ? Hiện nay chúng tôi đã có 130 ngàn người tại Việt Nam. Công trình quân sự tại vùng đông bắc cũng như các công trình đường xe lửa là các đề án mà chúng tôi đã đề xướng, và ngoài ra, chúng tôi đã gởi nhiều ngàn quân sang biên giới. Chúng tôi cũng đã thảo luận khả năng liên hiệp quân sự bất cứ khi nào chiến tranh bùng nổ. Các đồng chí nghi ngờ phải chăng vì chúng tôi đã quá nhiệt tình?… Các công trình trên các đảo phía đông bắc đã hoàn tất. Hai bên cũng đã thảo luận các công trình dọc bờ biển sẽ được quân đội Trung Quốc thực hiện. Vừa qua, đồng chí Văn Tiến Dũng đã đề nghị rằng sau khi hoàn tất các công trình vùng đông bắc, quân đội chúng tôi sẽ giúp xây các trạm tên lửa trong vùng trung châu…”

Mặc dù với nhiều tỉ đô-la cộng với máu xương đổ xuống miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc cũng biết khuynh hướng thân Liên Xô trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam mạnh hơn phe thân Trung Quốc, và ngày cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt cũng là ngày anh đi đường anh tôi đường tôi, nên họ đã dựa vào công hàm của Phạm Văn Đồng quyết định chiếm Hoàng Sa trước để làm điểm tựa chiến lược ngoài biển Đông sau này.

Cuộc chiến tranh ngắn mà Đặng Tiểu Bình gọi là “dạy cho Việt Nam bài học” vào tháng Giêng năm 1979 đã để lại vô số thiệt hại cho cả hai bên. Cũng giống như khi Mỹ bàng quang đứng nhìn hải quân Trung Quốc đổ bộ Hoàng Sa, và Liên Xô, ngoài việc kết án lấy lệ theo thủ tục ngoại giao hay vài giúp đỡ thông tin lén lút, gần 700 ngàn quân Liên Xô dọc biên giới phía bắc Tân Cương đã không bắn một viên đạn dù chỉ bắn lên trời. Trên bình diện yêu nước, người Việt có mọi lý do chính đáng để đứng lên bảo vệ lãnh thổ của cha ông và đã thật sự dạy cho quân xâm lăng một bài học đích đáng thay vì học bài học của Đặng Tiểu Bình. Ngay cả Tân Hoa xã cũng phải thừa nhận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã chiến đấu một cách tệ hại. Tuy nhiên xét về mặt nguyên nhân của cuộc chiến, không phải tự nhiên mà họ Đặng xua quân sang đánh nước ta. Nợ máu xương, tham vọng và những tranh chấp quyền lực trong khối cộng sản đã được trả bằng thân xác của tuổi trẻ Việt Nam và cả tuổi trẻ Trung Hoa vô tội. Một lần nữa, “lá cờ vẻ vang của Đảng” đã nhuộm bằng máu và cắm bằng xương của hàng chục ngàn thanh niên và đồng bào Việt Nam sống dọc vùng biên giới phía Bắc.

Có người thắc mắc, tại sao từ nhiều năm nay, lúc nào ông Lê Dũng hay các phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cứ lặp đi lặp lại chỉ một lời phản đối giống nhau: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Mặc dù sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam lần này nghiêm trọng hơn nhiều nhưng ông Lê Dũng một lần nữa cũng chỉ thay đổi ngày tháng trên một tờ thông cáo báo chí đã viết từ hơn hai mươi năm trước. Thế những khẩu hiệu đầy tính xách động như “Sông có thể cạn núi có thể mòn” hay “Dù đốt cháy cả dải Trường Sơn” v.v… đâu hết rồi? Nhưng nghĩ cho cùng nếu không nói như thế, ông Lê Dũng cũng chẳng biết nói gì khác. Tâm trạng của các cấp lãnh đạo Đảng đối với Trung Quốc giống như trong câu hát “Tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi” mà một độc giả talawas có lần ví dụ, thì làm sao dám nói khác hơn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan hệ giữa hai đảng sau khi bình thường hóa ngày 6 tháng 11 năm 1991 đến nay không khác bao nhiêu so với thời kỳ ông Phạm Văn Đồng ký công hàm nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nửa thế kỷ trước. Không còn đường thoát, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại tìm về nương náu dưới chiếc bóng của đàn anh Trung Quốc. Các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc. Các lãnh đạo Đảng cũng ý thức rằng học lóm không bao giờ giỏi hơn thầy. Họ cũng biết rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không còn tin tưởng họ như thời Điện Biên Phủ và cũng không bao giờ tha thứ cho tâm phản trắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu tách ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và mở rộng quan hệ mật thiết về kinh tế chính trị với các nước dân chủ phương Tây, không sớm thì muộn Đảng Cộng sản sẽ mất đi vai trò lãnh đạo đất nước. Đó là điều tối kỵ của Đảng. Lãnh đạo Đảng chọn hy sinh quyền lợi dân tộc như họ đã làm nhưng nhất định không hy sinh quyền lợi Đảng.

Đầu óc của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc là đầu óc thiên triều. Họ xem các nước nhỏ chung quanh, trong đó có Việt Nam là chư hầu truyền thống của họ. Họ luôn lợi dụng sự suy yếu nội bộ hay sự cô thế của các quốc gia láng giềng để thực hiện âm mưu xâm lược. Có giọt nước mắt nào của nhân loại nhỏ xuống cho Nội Mông? Tây Tạng thỉnh thoảng còn được nhắc chỉ vì đức độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng một mai khi ngài viên tịch, số phận của Tây Tạng cũng sẽ rơi vào quên lãng. Trong cuộc tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc ngoài miệng luôn nhấn mạnh đến việc “đối thoại nhằm duy trì ổn định ở biển Nam Trung Hoa và vì quyền lợi toàn diện đôi bên” và nghiêm khắc trách cứ Việt Nam đã tạo ra bất ổn, nhưng lịch sử cho thấy Trung Quốc mới là cha đẻ của chiến lược tạo ra sự bất ổn thường trực không phải chỉ vùng Đông Nam Á mà bất cứ nơi nào trên thế giới, nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc không muốn bị bất ổn nhưng lại hay chủ động tạo ra sự bất ổn cho các nước khác. Tháng 4 năm 2005, lợi dụng việc Bộ Giáo dục Nhật bản liệt kê biến cố tàn sát Nam Kinh năm 1937 như một tai nạn rủi ro, nhà cầm quyền Trung Quốc đã khuyến khích hàng chục ngàn thanh niên sinh viên Trung Quốc biểu tình suốt 3 tuần lễ trước tòa đại sứ Nhật. Mục đích thật sự của các cuộc biểu tình chống Nhật là chỉ nhằm ngăn cản cố gắng của Nhật để trở thành hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Mặc dù được xem như là lãnh tụ của khối được gọi là thế giới thứ ba sau hội nghị Bandung 1955, Trung Quốc chẳng những không giúp đỡ được gì cho các quốc gia nghèo khó vừa bước ra khỏi thời kỳ thực dân bóc lột nhưng đã trực tiếp gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc bằng việc nuôi dưỡng các phong trào Maoist, các chế độ độc tài khát máu như Pol Pot, Kim Nhật Thành cai trị các dân tộc bất hạnh bằng dao, búa và phòng hơi ngạt. Tội ác của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân các nước thuộc thế giới thứ ba nghiêm trọng không kém gì tội ác của Hitler đối với dân Do Thái.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức. Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc đã tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979, nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại quốc gia trong tương lai gần. Cộng đồng châu Âu và Mỹ trước đây đã từng ngăn cấm việc nhập cảng hải sản từ Trung Quốc vì lý do vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chỉ riêng năm 2007, hải sản từ Trung Quốc đã bị cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm Mỹ từ chối 43 lần so với chỉ 1 lần từ Thái Lan. Trung Quốc cũng đang phải đối phó với việc phe thân dân chủ vừa thắng lớn trong nghị viện Hồng Kông và người dân trong phần lãnh thổ quan trọng này có khả năng thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu dân chủ triệt để vào năm 2012.

Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng. Để làm dịu các căng thẳng trong cuộc tranh chấp về lãnh hải với Nhật Bản, Trung Quốc, qua chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masahiko Komura đầu tháng 12 năm 2007, đã đồng ý mở rộng các hợp tác kinh tế và tiếp tục đàm phán về khu vực khai thác khí đốt mà cả hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô-la hàng năm để nuôi dưỡng chế độ độc tài Kim Chính Nhất nhưng chính Trung Quốc lại là một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân vào tháng 7 năm 2006 và lần nữa vào tháng 10 năm 2006, bất chấp lời can gián của Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã nhiệt tình ký vào quyết nghị Liên hiệp quốc nhằm trừng phạt Bắc Hàn. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng qua việc thử đầu đạn nguyên tử, Bắc Hàn không chỉ nhắm vào Mỹ, Nhật mà còn để chứng tỏ sự độc lập đối với Trung Quốc. Nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay sẽ sụp đổ và có thể cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị Trung Quốc cũng sẽ tiêu vong theo.

Trở lại với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng trong bối cảnh chính trị kinh tế quân sự hiện nay, việc lấy lại Hoàng Sa và những đảo đã mất của Trường Sa, trong thực tế, là một điều ngoài khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều kiện để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán song phương, ngoài bằng chứng, tài liệu, còn là khả năng làm cho đối phương nể sợ hay kính trọng. Cả hai vị thế đó lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có được.

Các xung đột biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, từ các nước nhỏ như Tây Tạng, Nội Mông cho đến các nước lớn như Liên Xô, Ấn Độ cho thấy, một khi Trung Quốc đã nuốt vào thì khó nhả ra và họ chỉ chịu đàm phán sau khi biết rằng mình không thể thắng bằng võ lực. Việt Nam và Trung Quốc, có thể 20 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, rồi cũng phải giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa bằng súng đạn. Nhưng để thắng Trung Quốc, Việt Nam phải lớn mạnh thật nhanh và để lớn mạnh nhanh thì chọn lựa đầu tiên của Việt Nam là bước ra khỏi cỗ xe cộng sản già nua lỗi thời hiện nay. Chuyến tàu mới có thể làm cho không ít người Việt cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng chắc chắn đầy triển vọng tương lai.

Không ai chối cãi rằng Việt Nam đã có những phát triển nhất định về kinh tế trong hai chục năm qua, nhưng với những thành tựu giới hạn đang có, còn rất lâu, hay có thể không bao giờ Việt Nam có thể buộc Trung Quốc bước vào bàn hội nghị song phương hay đa phương bằng thái độ tương kính và bình đẳng. Một Việt Nam văn minh, dân chủ, đoàn kết với một nền kinh tế cường thịnh, một quân đội trang bị bằng kỹ thuật chiến tranh tiên tiến là những phương tiện hữu hiệu trong đàm phán để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc.

Lãnh đạo Đảng có thể lý luận rằng Trung Quốc vẫn phát triển kinh tế với tốc độ nhanh mặc dù cũng nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Trung Quốc, một đất nước hơn một tỉ dân, với hàng trăm chủng tộc, sắc dân, giọng nói, các khu tự trị, nhiều vùng bị xâm lăng chỉ chờ cơ hội để đòi độc lập, việc duy trì một chế độ trung ương tập quyền có thể còn giải thích được. Nhưng ngay cả trong sự phát triển nhanh hiện nay của Trung Quốc đã phát sinh mầm mống của sự phân hóa tương lai. Việt Nam hoàn toàn khác với Trung Quốc trong mọi lãnh vực có thể so sánh. Không có một lý luận nào đủ tính thuyết phục để giải thích quyền tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngược lại, thực tế đất nước ba mươi hai năm qua đã cho thấy Đảng Cộng sản tại Việt Nam là chướng ngại lớn nhất để thăng tiến đất nước.

Khẩu hiệu quen thuộc hiện nay là đột phá, đột phá tư duy, đột phá lý luận, đột phá tư tưởng để đuổi kịp các nước láng giềng. Nguồn lực chính của mọi đột phá phải là lòng yêu nước. Thế nhưng, trong một nước có 600 tờ báo mà không một tờ nào được phép đăng dù chỉ mỗi một câu để nói lên lòng yêu nước của người dân khi hai phần lãnh thổ quan trọng của Việt Nam trở thành thành phố cấp huyện của Trung Quốc, thì làm sao có thể gọi là đột phá? Việt Nam có hơn hai triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, tinh hoa Việt Nam có mặt trong hầu hết các lãnh vực và trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ tổng hợp được. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của Đảng Cộng sản. Đối với phần lớn nhân loại, chủ nghĩa cộng sản, với các đặc tính độc tài, lạc hậu là một điểm đen đã mờ xa trong quá khứ loài người nhưng tại Việt Nam vẫn còn được Đảng tôn vinh như là ngọn đuốc chỉ đường, là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Nhắc đến hai chữ “Cộng sản”, ngay cả những đảng viên có học chút ít cũng cảm thấy ngượng ngùng. Một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo nào trong nước được các tổ chức văn hóa, giáo dục nước ngoài mời sang nghiên cứu hay giảng dạy, nếu không phải là đảng viên, điều mà họ luôn luôn muốn nhấn mạnh một cách hãnh diện trong phần tiểu sử, trong các buổi phỏng vấn, rằng họ không phải là đảng viên cộng sản. Đối với các đảng viên, khi ra nước ngoài một trong những điều họ làm họ khó chịu nhất là bị hỏi ông hay bà có phải là đảng viên cộng sản hay không, dường như một câu hỏi như vậy là một cách xúc phạm đến tư cách đạo đức của con người họ.

Một thuận lợi mà Việt Nam hơn hẳn Trung Quốc và đã được chứng nghiệm nhiều lần trong lịch sử dân tộc, đó là lòng yêu nước. Trung Quốc là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Nếu Việt Nam có được các điều kiện kinh tế chính trị, kỹ thuật quân sự tương xứng, hay cho dù có yếu hơn một chút so với Trung Quốc, khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Việc giành lại Hoàng Sa và các đảo trong quần đảo Trường Sa là một khả năng, một triển vọng chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước hết phải tập trung sức mạnh dân tộc để dời cỗ xe ngựa già nua lạc hậu cộng sản hiện nay sang bên lề lịch sử.

Trần Trung Đạo
http://www.thienlybuutoa.org/Misc/GianhLaiHoangSa.htm

0 nhận xét

Đăng một nhận xét