Liên quan đến chuyện độc tài và dân chủ, quan sát tình hình chính trị trên thế giới, người ta thấy có hai điều gần như quy luật.
Thứ nhất, ở các nước có truyền thống dân chủ lâu đời, chính phủ có lên có xuống cách gì đi nữa thì dân chủ vẫn cứ dân chủ. Nhiều lúc, bầu cử xong, chẳng có bên nào thắng bên nào cả. Có hai biện pháp thường được tiến hành: một, đếm phiếu lại; và hai, các đảng loay hoay tìm cách liên hiệp với nhau để có một khối đa số. Biện pháp thứ nhất xảy ra ở Mỹ vào năm 2000 trong cuộc tranh cử giữa George W. Bush và Al Gore, bao gồm không những việc đếm phiếu lại mà còn có cả sự can thiệp của tòa án (ở tiểu bang Florida), kéo dài khoảng một tháng. Biện pháp thứ hai xảy ra nhiều hơn. Gần đây nhất là cuộc bầu cử ở Anh vào tháng 5 năm 2010 với kết quả là cả hai đảng chính, Lao Động và Bảo Thủ, đều không đủ 50% số phiếu cần có. Cả hai đảng đều cố tìm cách ve vãn đảng thứ ba là đảng Dân Chủ Tự Do. Cuối cùng đảng này ngả theo đảng Bảo Thủ, nhờ vậy, đảng Bảo Thủ được lên nắm chính quyền. Tuy nhiên, ở Anh, quá trình thương lượng tương đối nhanh, chỉ mất khoảng một tuần. Ở Úc, ba tháng sau đó, trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày 21 tháng 8, kết quả cũng tương tự. Cuối cùng đảng Lao Động phải liên kết với đảng Xanh và các dân biểu độc lập để tiếp tục cầm quyền. Nhưng quá trình đàm phán ở Úc kéo dài khá lâu: đến 17 ngày. Điều đặc biệt là, trong tất cả trường hợp bất thường vừa kể, khi cả nước không có một người lãnh đạo thực sự, guồng máy hành chính và chính trị ở Mỹ, Anh và Úc vẫn chạy rất tốt. Dân chúng không hề nhận thấy có bất cứ một thay đổi nhỏ nào trong đời sống cả. An ninh và trật tự vẫn bình thường. Kinh tế vẫn phát triển. Khi cần làm giấy tờ gì liên quan đến công quyền, người ta vẫn có thể làm được một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Thứ hai, ngược lại, ở các nước độc tài, sau một cuộc cách mạng hoặc tự hóa thân với nhiệt tình dân chủ hóa, lại thường gặp rất nhiều vất vả trong việc xây dựng một chế độ dân chủ thực sự. Thường thấy nhất là hai trường hợp: một, nó trở lại với chế độ độc tài nhưng với mức độ và diện mạo khác; và hai, nó phải đi qua những con đường vòng khá quanh co và đôi lúc khá đẫm máu trước khi đến được cái đích mà mọi người mong muốn.
Vấn đề là: Tại sao như vậy?
Câu trả lời được nêu lên đầu tiên là: cơ chế. Người ta cho là, ở các quốc gia dân chủ lâu đời, bộ máy nhà nước đã hoàn thiện, những thay đổi về nhân sự, ngay cả nhân sự thuộc loại cao cấp nhất, cũng không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Điều này dĩ nhiên là đúng. Nhưng đó không phải là tất cả. Ở nhiều quốc gia mới dân chủ hay giả vờ dân chủ, người ta cũng có một bộ máy khá tương tự. Thì cũng chính phủ. Cũng Quốc hội. Cũng tòa án. Và đằng sau tất cả các thiết chế ấy, là Hiến pháp và luật pháp. Vậy mà giữa một nền dân chủ lâu đời và một nền dân chủ sơ sinh vẫn khác. Khác rất nhiều.
Câu trả lời thứ hai được đề nghị: văn hóa. Dân chủ không phải chỉ là một thiết chế mà còn là, nếu không muốn nói, chủ yếu còn là một văn hóa. Có một thứ văn hóa dân chủ và một thứ văn hóa phi dân chủ. Văn hóa phi dân chủ dựa trên chủ nghĩa cá nhân độc tôn, sự bí mật và tinh thần bạo động. Văn hóa dân chủ, ngược lại, dựa trên tinh thần tập thể, tính công khai và tinh thần sẵn sàng đàm phán và chấp nhận thỏa hiệp. Văn hóa phi dân chủ sử dụng mọi biện pháp, kể cả áp bức người khác, để giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh gọn. Văn hóa dân chủ thừa nhận cái khác, sẵn sàng thảo luận và tương nhượng để cuối cùng mọi người đạt đến một sự đồng thuận chung.
Quan điểm thứ hai được cho là hợp lý. Nhưng ở đây lại có vấn đề: văn hóa dân chủ từ đâu mà có? Không thể nói văn hóa dân chủ nảy sinh từ một truyền thống dân chủ. Nói như vậy là đẩy vấn đề vào đường cùng: Nó sa vào cái bẫy quả trứng và con gà cái nào có trước. Nhưng một nền văn hóa dân chủ có thể được nảy nở trong một thể chế độc tài được không? Câu trả lời cũng lại là không. Đã đành văn hóa không nhất thiết gắn liền với thiết chế. Nhưng văn hóa cũng không phải là cái gì có thể nảy nở từ hư không. Văn hóa gắn liền với con người, với những điều kiện sinh sống của con người; mà con người thì lại chỉ hiện hữu trong và với thiết chế. Bất cứ cộng đồng nào, từ hai người trở lên, bao giờ cũng gắn liền với một thiết chế nhất định hoặc đến từ bên ngoài hoặc do họ xây dựng: nhỏ là gia đình, lớn là xã hội, lớn nữa là quốc gia. Không ai có thể thoát được. Một thiết chế được thành lập trên nền tảng bất khoan dung, chỉ nhắm đến các lợi ích ích kỷ trước mắt, sẵn sàng dùng súng đạn để giải quyết mọi mâu thuẫn, khó mà song hành được với một nền văn hóa dân chủ vốn lúc nào cũng đề cao những điều ngược lại.
Nhưng nếu không thể đợi đến lúc xây dựng được một thiết chế dân chủ và cũng không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các thiết chế độc tài trong hiện tại, làm sao người ta có thể vun đắp một nền văn hóa dân chủ để làm tiền đề cho chế độ dân chủ sẽ được hình thành?
Câu trả lời, thật ra, đã có từ lâu.
Trong cuốn “Dân chủ ở Mỹ” (Democracy in America), xuất bản năm 1835, Alexis de Tocqueville (1805-1859) nhận thấy có nhiều sự khác biệt quan trọng trong đời sống chính trị giữa Mỹ và châu Âu. Một trong những khác biệt ấy chính là sự hiện diện của xã hội dân sự (civil society) ở Mỹ. Điển hình của hình thức xã hội dân sự ấy là vô số các hội đoàn do dân chúng thành lập và sinh hoạt độc lập với chính quyền. Các hội đoàn ấy bén rễ khắp nơi, ở mọi địa phương và thu hút rất nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau. Họ thường gặp gỡ nhau, thảo luận về đủ loại vấn đề. Qua các sinh hoạt tập thể như vậy, dân chúng ảnh hưởng lên đời sống chính trị ở địa phương cũng như ở cấp quốc gia bằng cách nêu lên vấn đề, đặc biệt những vấn đề có tính chất cộng đồng, thuộc các nhóm thiểu số, vốn rất dễ bị chính quyền hờ hững. Trước các yêu sách của họ, tự dưng chính quyền phải trở thành minh bạch, mọi chính sách đều trở thành công khai, hơn nữa, họ phải quan tâm hầu như đến mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, bất kể là lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo. Quan hệ giữa chính quyền và xã hội dân sự - qua hình thức sinh hoạt đoàn thể - như thế là một thứ quan hệ đầy tính chất dân chủ, thông qua đàm phán và tương nhượng. Nó khác hẳn với thứ quan hệ đầy trấn áp và bạo động ở châu Âu thời bấy giờ.
Có thể nói, qua quan sát của Tocqueville, xã hội dân sự là một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng chế độ dân chủ ở Mỹ.
Về sau, giới nghiên cứu cũng đồng ý với nhau, xã hội dân chủ cũng là tiền đề của mọi chế độ dân chủ nói chung. Nói như vậy cũng có nghĩa là muốn nói: Để có một chế độ dân chủ thực sự vững chắc, chúng ta cần có văn hóa dân chủ; và để có một nền văn hóa dân chủ, chúng ta cần xây dựng, trước hết, một xã hội dân sự lành mạnh.
Nguyễn Hưng Quốc
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/giua-doc-tai-va-dan-chu-01-12-2012-137192978.html
Thứ nhất, ở các nước có truyền thống dân chủ lâu đời, chính phủ có lên có xuống cách gì đi nữa thì dân chủ vẫn cứ dân chủ. Nhiều lúc, bầu cử xong, chẳng có bên nào thắng bên nào cả. Có hai biện pháp thường được tiến hành: một, đếm phiếu lại; và hai, các đảng loay hoay tìm cách liên hiệp với nhau để có một khối đa số. Biện pháp thứ nhất xảy ra ở Mỹ vào năm 2000 trong cuộc tranh cử giữa George W. Bush và Al Gore, bao gồm không những việc đếm phiếu lại mà còn có cả sự can thiệp của tòa án (ở tiểu bang Florida), kéo dài khoảng một tháng. Biện pháp thứ hai xảy ra nhiều hơn. Gần đây nhất là cuộc bầu cử ở Anh vào tháng 5 năm 2010 với kết quả là cả hai đảng chính, Lao Động và Bảo Thủ, đều không đủ 50% số phiếu cần có. Cả hai đảng đều cố tìm cách ve vãn đảng thứ ba là đảng Dân Chủ Tự Do. Cuối cùng đảng này ngả theo đảng Bảo Thủ, nhờ vậy, đảng Bảo Thủ được lên nắm chính quyền. Tuy nhiên, ở Anh, quá trình thương lượng tương đối nhanh, chỉ mất khoảng một tuần. Ở Úc, ba tháng sau đó, trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày 21 tháng 8, kết quả cũng tương tự. Cuối cùng đảng Lao Động phải liên kết với đảng Xanh và các dân biểu độc lập để tiếp tục cầm quyền. Nhưng quá trình đàm phán ở Úc kéo dài khá lâu: đến 17 ngày. Điều đặc biệt là, trong tất cả trường hợp bất thường vừa kể, khi cả nước không có một người lãnh đạo thực sự, guồng máy hành chính và chính trị ở Mỹ, Anh và Úc vẫn chạy rất tốt. Dân chúng không hề nhận thấy có bất cứ một thay đổi nhỏ nào trong đời sống cả. An ninh và trật tự vẫn bình thường. Kinh tế vẫn phát triển. Khi cần làm giấy tờ gì liên quan đến công quyền, người ta vẫn có thể làm được một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Thứ hai, ngược lại, ở các nước độc tài, sau một cuộc cách mạng hoặc tự hóa thân với nhiệt tình dân chủ hóa, lại thường gặp rất nhiều vất vả trong việc xây dựng một chế độ dân chủ thực sự. Thường thấy nhất là hai trường hợp: một, nó trở lại với chế độ độc tài nhưng với mức độ và diện mạo khác; và hai, nó phải đi qua những con đường vòng khá quanh co và đôi lúc khá đẫm máu trước khi đến được cái đích mà mọi người mong muốn.
Vấn đề là: Tại sao như vậy?
Câu trả lời được nêu lên đầu tiên là: cơ chế. Người ta cho là, ở các quốc gia dân chủ lâu đời, bộ máy nhà nước đã hoàn thiện, những thay đổi về nhân sự, ngay cả nhân sự thuộc loại cao cấp nhất, cũng không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Điều này dĩ nhiên là đúng. Nhưng đó không phải là tất cả. Ở nhiều quốc gia mới dân chủ hay giả vờ dân chủ, người ta cũng có một bộ máy khá tương tự. Thì cũng chính phủ. Cũng Quốc hội. Cũng tòa án. Và đằng sau tất cả các thiết chế ấy, là Hiến pháp và luật pháp. Vậy mà giữa một nền dân chủ lâu đời và một nền dân chủ sơ sinh vẫn khác. Khác rất nhiều.
Câu trả lời thứ hai được đề nghị: văn hóa. Dân chủ không phải chỉ là một thiết chế mà còn là, nếu không muốn nói, chủ yếu còn là một văn hóa. Có một thứ văn hóa dân chủ và một thứ văn hóa phi dân chủ. Văn hóa phi dân chủ dựa trên chủ nghĩa cá nhân độc tôn, sự bí mật và tinh thần bạo động. Văn hóa dân chủ, ngược lại, dựa trên tinh thần tập thể, tính công khai và tinh thần sẵn sàng đàm phán và chấp nhận thỏa hiệp. Văn hóa phi dân chủ sử dụng mọi biện pháp, kể cả áp bức người khác, để giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh gọn. Văn hóa dân chủ thừa nhận cái khác, sẵn sàng thảo luận và tương nhượng để cuối cùng mọi người đạt đến một sự đồng thuận chung.
Quan điểm thứ hai được cho là hợp lý. Nhưng ở đây lại có vấn đề: văn hóa dân chủ từ đâu mà có? Không thể nói văn hóa dân chủ nảy sinh từ một truyền thống dân chủ. Nói như vậy là đẩy vấn đề vào đường cùng: Nó sa vào cái bẫy quả trứng và con gà cái nào có trước. Nhưng một nền văn hóa dân chủ có thể được nảy nở trong một thể chế độc tài được không? Câu trả lời cũng lại là không. Đã đành văn hóa không nhất thiết gắn liền với thiết chế. Nhưng văn hóa cũng không phải là cái gì có thể nảy nở từ hư không. Văn hóa gắn liền với con người, với những điều kiện sinh sống của con người; mà con người thì lại chỉ hiện hữu trong và với thiết chế. Bất cứ cộng đồng nào, từ hai người trở lên, bao giờ cũng gắn liền với một thiết chế nhất định hoặc đến từ bên ngoài hoặc do họ xây dựng: nhỏ là gia đình, lớn là xã hội, lớn nữa là quốc gia. Không ai có thể thoát được. Một thiết chế được thành lập trên nền tảng bất khoan dung, chỉ nhắm đến các lợi ích ích kỷ trước mắt, sẵn sàng dùng súng đạn để giải quyết mọi mâu thuẫn, khó mà song hành được với một nền văn hóa dân chủ vốn lúc nào cũng đề cao những điều ngược lại.
Nhưng nếu không thể đợi đến lúc xây dựng được một thiết chế dân chủ và cũng không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các thiết chế độc tài trong hiện tại, làm sao người ta có thể vun đắp một nền văn hóa dân chủ để làm tiền đề cho chế độ dân chủ sẽ được hình thành?
Câu trả lời, thật ra, đã có từ lâu.
Trong cuốn “Dân chủ ở Mỹ” (Democracy in America), xuất bản năm 1835, Alexis de Tocqueville (1805-1859) nhận thấy có nhiều sự khác biệt quan trọng trong đời sống chính trị giữa Mỹ và châu Âu. Một trong những khác biệt ấy chính là sự hiện diện của xã hội dân sự (civil society) ở Mỹ. Điển hình của hình thức xã hội dân sự ấy là vô số các hội đoàn do dân chúng thành lập và sinh hoạt độc lập với chính quyền. Các hội đoàn ấy bén rễ khắp nơi, ở mọi địa phương và thu hút rất nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau. Họ thường gặp gỡ nhau, thảo luận về đủ loại vấn đề. Qua các sinh hoạt tập thể như vậy, dân chúng ảnh hưởng lên đời sống chính trị ở địa phương cũng như ở cấp quốc gia bằng cách nêu lên vấn đề, đặc biệt những vấn đề có tính chất cộng đồng, thuộc các nhóm thiểu số, vốn rất dễ bị chính quyền hờ hững. Trước các yêu sách của họ, tự dưng chính quyền phải trở thành minh bạch, mọi chính sách đều trở thành công khai, hơn nữa, họ phải quan tâm hầu như đến mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, bất kể là lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo. Quan hệ giữa chính quyền và xã hội dân sự - qua hình thức sinh hoạt đoàn thể - như thế là một thứ quan hệ đầy tính chất dân chủ, thông qua đàm phán và tương nhượng. Nó khác hẳn với thứ quan hệ đầy trấn áp và bạo động ở châu Âu thời bấy giờ.
Có thể nói, qua quan sát của Tocqueville, xã hội dân sự là một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng chế độ dân chủ ở Mỹ.
Về sau, giới nghiên cứu cũng đồng ý với nhau, xã hội dân chủ cũng là tiền đề của mọi chế độ dân chủ nói chung. Nói như vậy cũng có nghĩa là muốn nói: Để có một chế độ dân chủ thực sự vững chắc, chúng ta cần có văn hóa dân chủ; và để có một nền văn hóa dân chủ, chúng ta cần xây dựng, trước hết, một xã hội dân sự lành mạnh.
Nguyễn Hưng Quốc
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/giua-doc-tai-va-dan-chu-01-12-2012-137192978.html
0 nhận xét