Photo courtesy of Dân làm báo Từ trái, Anh Huỳnh Ngọc Tuấn và các con, Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu. |
Lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra chuyện cả 3 cha con trong một gia đình đều bị gặp rắc rối với công an vì viết blog.
Rắc rối vì viết blog
Sự việc hy hữu này xảy ra với gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam hôm thứ Năm 10 tháng 11, khi bản thân ông cùng hai người con là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Hiếu đều bị chính quyền triệu tập đến “làm việc”, liên quan đến nội dung các bài viết trên internet.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã cho phổ biến trên các trang blog những bài viết mang nội dung bôi nhọ, phản động; chống phá Nhà Nước.
Ngoài các tài liệu đăng tải trên internet, bản thân ông Tuấn còn bị cáo buộc tuyên truyền xuyên tạc các chính sách của nhà nước, qua các cuộc trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh nước ngoài như Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài Chân Trời Mới.
Vậy ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã nói gì trên Đài Á Châu Tự Do? Sau đây là một trích đoạn trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Tuấn với phóng viên Thanh Quang, hai ngày trước khi ông bị công an triệu tập:
“Tôi xin cảm ơn Đài Á Châu Tự Do đã cho tôi cơ hội để mà trình bày về hoàn cảnh bị sách nhiễu, bị khủng bố, bị đàn áp trắng trợn, thô bạo bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đối với gia đình tôi.
Họ cay cú vì những bài viết của tôi trên mạng. Họ bực tức vì chuyện tôi tham gia ký tên vô cái yêu sách đòi thả tù nhân lương tâm. Cái thứ hai là những bài viết của Huỳnh Thục Vy được đồng bào trong nước ngoài nước người ta quý, người ta yêu quý lắm cho nên làm cho người ta khó chịu. Người ta khó chịu vì cháu Thục Vy được yêu quý. Tôi biết đó là lý do mà người ta nhắm vô khủng bố Thục Vy.
Họ cay cú vì những bài viết của tôi trên mạng.Ô. Huỳnh Ngọc Tuấn
Tôi mong rằng qua Đài Á Châu Tự Do đánh động được sự chú ý của công luận, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ, sự chú ý của Liên Minh Châu Âu, để mà giúp đỡ gia đình tôi, nhất là các cháu Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, để mà đề phòng những rủi ro về tai nạn hay sự trả thù đối với hai cháu. Còn bản thân tôi thì tôi cũng không lo. Tôi hoàn toàn không có lo lắng gì bản thân tôi hết. Tôi chỉ mong là công luận quốc tế giúp đỡ để bảo vệ Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu".
Cũng liên quan đến giới blogger trong nước, tại Hà Nội công an đã gửi giấy triệu tập một số ngòi bút được nhiều người biết đến qua các bài viết được phổ biến rộng rãi trên các trang blog cả trong và ngoài nước, đó là nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, blogger Lê Dũng, và luật sư Lê Quốc Quân.
Việc công an thành phố Hà Nội ra lệnh triệu tập blogger Nguyễn Hữu Vinh diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh chấp giữa Nhà thờ Thái Hà với chính quyền Hà Nội, mà công luận được biết đến qua các bài tường thuật chi tiết trên trang blog Sự Thật và Công Lý của cá nhân ông và nhiều trang blog khác.
Cũng trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, sau hai lần trì hoãn, tuần này tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên án tù đối với hai thành viên Pháp Luân Công là các ông Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành, về tội “tuyên truyền chống lại nước khác”.
Trả lời Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi phiên xử kết thúc, Chị Lê Thị Thu Hòa, vợ anh Vũ Đức Trung bày tỏ:
“Đến lúc chủ tọa phiên tòa tuyên đọc bản án thì hai anh đều cảm thấy là nó quá nặng, mà trong quá trình em tham gia thì em thấy là luật sư có bào chữa và đưa ra những cái căn cứ mà em thấy là hợp lý và có cả bằng chứng cụ thể, xác định rằng anh Trung và anh Thành là không có tội, chỉ vi phạm về hành chính thôi.
Và trong phần tranh tụng với bên Viện Kiểm Sát thì em thấy là Viện Kiểm Sát vẫn chưa có những câu trả lời rõ ràng về các luận điểm mà luật sư đưa ra.
Thực tế là anh ấy không có tội như luật sư đã bào chữa nói, gia đình em sẽ kháng án lên phúc thẩm ạ.”
Tưởng cũng xin được nhắc lại, hai ông Vũ Đức Trung, 31 tuổi, và Lê Văn Thành, 36 tuổi, bị Công an Việt Nam bắt giam từ tháng 6 năm ngoái, sau khi họ thực hiện các chương trình phát thanh của giáo phái Pháp Luân Công hướng sang Trung Quốc.
Công dân Việt Nam ở tại Việt Nam, thực hiện hành vi đó tại Việt Nam thì phải áp dụng pháp luật Việt Nam, chứ không thể theo luật pháp Trung Quốc.LS Trần Đình Triển
Cáo trạng của Viện Kiểm Sát cho rằng việc làm này của hai ông Trung và Thành đã xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý Nhà nước về Bưu Chính Viễn Thông.
Tuy nhiên, Luật sư Trần Đình Triển, người bào chữa cho hai ông Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành cho biết ở Việt Nam không hề có luật nào ngăn cấm công việc này, nên không có cơ sở pháp lý để buộc tội họ. Ông nói:
“Theo quan điểm của một người luật sư, của pháp luật Việt Nam và của những qui định của công ước quốc tế, tôi khẳng định thân chủ của tôi không có tội. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Luật pháp Việt Nam chưa cấm Pháp Luân Công.
Công dân Việt Nam ở tại Việt Nam, thực hiện hành vi đó tại Việt Nam thì phải áp dụng pháp luật Việt Nam, chứ không thể theo luật pháp Trung Quốc. Tại phiên tòa, tôi đã đưa ra Hiệp định Tương trợ Tư pháp 1998 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này, vi phạm luật pháp ở nước nào thì xử theo luật pháp nước đó.
Tôi nói lên việc này không phải chỉ để bảo vệ thân chủ của tôi là anh Thành và Trung, mà để bảo vệ cả đất nước, dân tộc Việt Nam – một dân tộc có độc lập chủ quyền luật pháp riêng; không thể biến mình trở nên lệ thuộc, cũng không thể sử dụng công dân của mình làm “quà biếu” hay làm vật tế thần cho một nước nào cả.”
Việc Việt Nam mạnh tay với giới blogger cũng như bỏ tù những người hoạt động tôn giáo diễn ra trong lúc một phái đoàn đại diện cho chính phủ Hà Nội đến Washington tham dự cuộc đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 16.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong hai ngày 9 và 10 tháng 11, đại diện hai phía đã “thảo luận nhiều vấn đề cụ thể nhằm giúp thu hẹp các dị biệt tồn tại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền”.
Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền nếu muốn cải thiện các quan hệ với Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, ngay trước Thượng đỉnh APEC, bà Clinton cho biết Hoa Kỳ đã nói rõ với Việt Nam rằng nếu hai nước muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược thì Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để tôn trọng và bảo vệ quyền con người cho công dân của mình.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền của người dân, đồng thời lên án việc Hà Nội tiếp tục sách nhiễu, giam tù các nhân vật bất đồng chính kiến.
Thậm chí nhiều nhà lập pháp Mỹ còn mạnh mẽ khuyến cáo rằng việc chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các quan hệ ngoại giao, thương mại và quân sự giữa hai nước.
RFA
0 nhận xét