DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» BÀI MỚI , Thế Giới » Các cột mốc chính trong cuộc đời Gaddafi

CUỘC ĐẢO CHÍNH KHÔNG ĐỔ MÁU

1 tháng Chín 1969

Khi còn trẻ, ông Muammar Gaddafi là một người ngưỡng mộ lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa Gamal Abdel Nasser. Ông vạch kế hoạch lật đổ chế độ quân chủ Libya khi còn là một người lính trẻ.

Là một nhân vật có phong thái hấp dẫn, ông được đào tạo trong quân đội tại Anh Quốc trước khi trở lại Libya và lật đổ Quốc vương Idris trong một cuộc đảo chính không đổ máu vào ngày 1 tháng Chín năm 1969.



NHỮNG NGÀY ĐẦU
Những năm 1970

Đại tá Gaddafi (ngoài cùng bên phải) tìm cách nắm giữ quyền lực của mình vào những năm 1970. Ông đưa ra triết lý chính trị của mình, được gọi là Sách Xanh, và chú trọng vào quan tâm của nước ngoài tới trữ lượng dầu lửa của Libya.

Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng về dầu lửa ở Trung Đông hồi năm 1973-74 và đã thiết lập các mối liên hệ với các nước châu Phi lân cận và các nhà lãnh đạo khác trong vùng.

Nhưng những nỗ lực của ông muốn đại diện cho những lợi ích xuyên châu Phi đã không thành công.


YVONNE FLETCHER
Tháng 4 năm 1984

Một cuộc biểu tình chống Gaddafi bên ngoài tòa Đại sứ Libya ở London đã biến thành một sự kiện quốc tế lớn khi một nữ cảnh sát trẻ, Yvonne Fletcher, đã bị một tay súng từ bên trong tòa đại sứ bắn chết.

Các liên hệ ngoại giao với Libya đã bị cắt đứt và con đường dẫn Đại tá Gaddafi tới vị thế của một người bị cô lập cũng đã định hình.



NHỮNG VỤ TẤN CÔNG CỦA HOA KỲ
Ngày 15 tháng Tư năm 1986

Việc Đại tá Gaddafi quan hệ với các nhóm dân quân, trong đó có Đội quân Cộng hòa Ailen (IRA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã khiến ông được mệnh danh là "chó dại" theo cách gọi của Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan.

Hoa Kỳ đã phản ứng trước cáo giác về liên quan của Libya trong một vụ tấn công khủng bố ở châu Âu bằng một đợt không tập vào thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi.

Đại tá Gaddafi được nói là đã khá hoảng sợ trước các cuộc ném bom này. Chính cô con gái nuôi của ông Gaddafi đã bị chết trong các cuộc không tập này.



LOCKERBIE 
Ngày 21 tháng Mười Hai năm 1988 

Vụ đánh bom chiếc phi cơ của hãng Pan-Am, chuyến bay 103, trên bầu trời Scotland là cột mốc kế tiếp về tình trạng căng thẳng leo thang. 

Libya bị quy trách nhiệm đã gây ra cái chết của 270 người trên máy bay và cả dưới mặt đất trong vụ đâm máy bay này. Đây là vụ khủng bố khủng khiếp nhất từng xảy ra tại Anh Quốc. 

Đầu tiên Đại tá Gaddafi từ chối không chịu giao nộp hai người Libya bị tình nghi phải bị xét xử. Điều này đã dẫn tới một giai đoạn thương thuyết kéo dài và kết quả là lệnh trừng phạt cấm vận của Liên Hiệp Quốc.



HỢP TÁC 
1999 - 2003 

Vào năm 1999, hai người Libya bị giao nộp cho một tòa án ở Scotland về vụ đánh bom chiếc phi cơ trên bầu trời Lockerbie và một người đã bị kết án có tội. 

Giải pháp cho vụ này, cùng với việc sau đó Đại tá Gaddafi thú nhận và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và hóa học đã mở đường cho việc làm tan băng mối quan hệ giữa chính phủ Tripoli và các cường quốc phương Tây.


QUAN HỆ NỒNG ẤM TRỞ LẠI 
Tháng Ba năm 2004 

Các cấm vận quốc tế được gỡ bỏ, chính phủ Libya trở lại chính trường thế giới và điều đó đã cho phép Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair, cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới khác, đặt chân vào chiếc lều Bedouin truyền thống, giàu sang và nổi tiếng của Đại tá Gaddafi được dựng trong khu dinh thự lãnh tụ Libya. 

Ông Blair tới thăm Libya năm 2004 và trở lại năm 2007.


BÀI PHÁT BIỂU DÀI NHẤT 
Ngày 23 tháng Chín năm 2009 

Là một người không theo các khuôn phép xã hội thông thường, Đại tá Gaddafi trong lần đầu tiên đăng đàn tại Đại hội đồng LHQ đã phát biểu dài 96 phút, quá một tiếng đồng hồ so với thời gian được phép. 

Nhà lãnh đạo Libya đã đưa ra một bài phát biểu đầy nhiệt huyết với những công kích dữ dội về mọi vấn đề, từ những thất bại của Hội đồng Bảo an LHQ tới chủ thuyết của ông rằng cúm heo được sáng chế ra vì các mục đích quân sự.



BIỂU TÌNH LAN RỘNG 
Tháng Hai năm 2011 

Được khuyến khích bởi các diễn biến tại các nước láng giềng Tunisia và Ai Cập và bùng nổ do một vụ bắt giữ một nhà vận động vì nhân quyền Libya, các cuộc biểu tình chống lại chế độ cầm quyền kéo dài hơn 40 năm của Đại tá Gaddafi đã bùng nổ vào tháng Hai năm 2011. 

Mở đầu ở phía Đông, nơi chính Gaddafi tiến hành cuộc đảo chính cách đây hơn 40 năm, những cuộc biểu tình lan ra khắp cả nước. 

Đại tá Gaddafi vẫn không nhân nhượng và thề sẽ đè bẹp những người nổi dậy.



NHỮNG VỤ TẤN CÔNG CỦA NATO 
Ngày 19 - 20 tháng Ba năm 2011 

Trước tình thế Đại tá Gaddafi cho những dấu hiệu đang trên đà đè bẹp những người nổi dậy, Nato tiến hành không tập chống lại các mục tiêu tại Libya "để bảo vệ dân thường". 

Không lực đã cứu phe nổi dậy và với sự trợ giúp từ bên ngoài họ cuối cùng đã đạt được những tiến triển trong tham vọng của mình muốn lật đổ nhà lãnh đạo Libya. 

Sự ủng hộ quốc tế cho Đại tá Gaddafi cũng cạn kiệt dần sau nhiều tuần khi những người nổi dậy giành được sự ủng hộ chính thức.



TRIPOLI THẤT THỦ 
Ngày 23 tháng Tám năm 2011 

Sáu tháng sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu, phe nổi dậy Libya đã tiến vào thủ đô Tripoli. 

Với các cuộc không tập của Nato làm lực lượng của Đại tá Gaddafi yếu đi trong thời gian nhiều tháng qua, binh lính phe nổi dậy đã tiến vào thủ đô và chẳng bao lâu tập kích tổ hợp của ông. 

Sự kiện này mở đầu cho quá trình chấm dứt sự trị vì của Đại tá Gaddafi, người tiếp tục đưa ra những kêu gọi những người ủng hộ ông tiếp tục chiến đấu sau khi ông đã đi lẩn trốn.



BỊ GIẾT TẠI SIRTE 
Ngày 20 tháng Mười năm 2011 

Đại tá Gaddafi chết sau khi bị lực lượng nổi dậy bắt tại thị trấn quê hương ông, Sirte, một trọng điểm của những chiến binh trung thành với ông. 

Tin về việc bắt được Đại tá Gaddafi lan ra ngay sau khi phe nổi dậy tuyên bố đã chiếm được thị trấn này sau nhiều tuần giao chiến ác liệt. 

Các viên chức Hội đồng Chuyển giao - National Transitional Council (NTC) - nói Đại tá Gaddafi bị thương trong giao chiến và chết vì các vết thương.


BBC

0 nhận xét

Đăng một nhận xét