DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Tin Xã Hội » Những sự kiện nổi bật tại VN tuần qua


Phiên tòa phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ và cuộc khẩu chiến chung quanh chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa chiếm lĩnh thời sự Việt Nam tuần này.

Phiên xử bị lên án 

000_Del493217-250.jpg
TS luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 2-tháng 8-2011. AFP photo
Hôm thứ Ba 2 tháng 8, trong một phiên xử kéo dài hơn nửa ngày, tòa phúc thẩm tối cao tại Hà Nội đã tuyên y án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với TS luật Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”.
Cả tiến trình xét xử và bản án chung cuộc đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.  
Người Việt trong và ngoài nước cũng như các tổ quốc tế và chính phủ phương Tây đều cho rằng đây là một bản án bất công, và ông Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn không có tội khi lên tiếng bày tỏ quan điểm về các vấn đề của đất nước.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do ngay sau phiên xử, luật sư Trần Quốc Thuận, một trong 4 luật sư bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ cho rằng đây là một phiên tòa bất công, và bản án đã được định sẵn. 
Cũng lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do, LS Trần Đình Triển - trưởng văn phòng luật Vì Dân ở Hà Nội - cho rằng chính quan tòa đã vi phạm luật tố tụng qua vụ xử này.
Việc Việt Nam kết án nặng nề TS Cù Huy Hà Vũ cũng gây ra làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế, v.v… đều cho rằng đây là một bản án bất công và áp đặt.
Hoa Kỳ cũng nhanh chóng lên tiếng can thiệp cho TS Cù Huy Hà Vũ.
Tuyên bố với báo chí trong cuộc họp báo tại Washington chỉ vài giờ sau khi phiên tòa tại Hà Nội kết thúc, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ cũng như các nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Mark Toner nói thêm rằng"Quan hệ Mỹ - Việt đã có nhưng tăng tiến đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cũng đang gây ra các cản trở nhất định, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng về vấn đề này với phía Việt Nam."
Cũng liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ, Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba tuần này đã chính thức phê chuẩn ông David Shear làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm về Á Châu, ông David Shear trở thành đại sứ thứ năm của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ sau ngày hai nước thiết lập bang giao hồi năm 1995.
Tại buổi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện sau khi được Tổng thống Obama đề cử làm Đại sứ tại Việt Nam, ông David Shear cho biết ưu tiên của ông là sẽ chú trọng vào các vấn đề an ninh khu vực, giáo dục và pháp luật…

Khẩu chiến chủ quyền HS-TS

Việt Nam Tuần Qua tiếp tục ghi nhận những tranh cãi về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa.
Cuộc khẩu chiến do truyền thông Trung Quốc khởi xướng với việc cho rằng chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
bien-dong-uschina-institude-250.jpg
Các quốc gia có phần nào quyền lợi ở Biển Đông. Source uschina-institude
Ngoài việc sử dụng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 với cách giải thích là Việt Nam từng công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa Trường Sa, báo chí Trung Quốc còn trích dẫn hai tài liệu khác chưa từng được nói tới. Theo đó bản đồ thế giới do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960, quần đảo Trường Sa được ghi chú là lãnh thổ Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc Lý Kim Minh còn nhắc tới một bản đồ khác được cho là do Cục Bản đồ của chính phủ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó chú thích quần đảo Trường Sa bằng tiếng Hoa, thay vì bằng tiếng Việt hay Anh, Pháp.
Trước những nhận định phiến diện của báo chí Trung Quốc, truyền thông “lề phải” tại Việt Nam vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng; trong khi đó trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Luật Quốc tế trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng:
“Thực chất thời kỳ đó, chính là khi chúng ta nhờ Trung Quốc in ấn sách giáo khoa, họ đã đưa những bản đồ đó vào và chúng ta đã không để ý. Nhất là trong thời kỳ tình cảm, như công hàm Phạm Văn Đồng đã không để ý tới. 
Thứ hai, giá trị pháp lý bản đồ như thế nào trong tranh chấp lãnh thổ thì có một số vấn đề: bản thân bản đồ đã là bằng chứng pháp lý chưa? thì nó chưa hẳn như thế. Bởi vì một bản đồ phải kèm theo một hiệp định ký bởi hai quốc gia về vấn đề lãnh thổ thì mới được coi là hoàn toàn có hiệu lực, đó là một bằng chứng pháp lý rất lớn. 
Còn thông thường bản đồ của một phía đưa ra thì nó đã sai sót rất nhiều và bằng chứng pháp lý của bản đồ bị hạn chế rất nhiều, chưa kể bản đồ đó được nơi nào xuất bản, phương tiện kỹ thuật được cung cấp như thế nào. 
Nói chung dựa trên bằng chứng bản đồ do một bên đưa ra mà không liên quan gì tới các hiệp định hiệp ước chính thức mà quốc gia đó đã ký kết thì giá trị pháp lý về bản đồ nó không nhiều lắm thậm chí là không có gì.” 

Đổi trắng thay đen?

Và, có hay không chuyện công an đạp vào mặt người biểu tình?  
bieu-tinh-danap3-250.jpg
Công an tên Minh đạp vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Screen capture.
Câu trả lời tuy đã có từ cả 2 tuần nay với các hình ảnh và video clip được truyền tải khắp nơi, nhưng tuần này lại bị khơi dậy khi giám đốc công an thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Nhanh đăng đàn bác bỏ.
Theo ông Nguyễn Đức Nhanh: “Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình”.
Trả lời Khánh An của Đài Á Châu Tự Do, vẫn với thái độ nhã nhặn thường có, Anh Nguyễn Chí Đức, người thanh niên mà ai cũng có thể thấy trong video cảnh công an đạp thẳng vào mặt, kết luận: 
“Sau sự kiện này là không an lành với tôi nhưng nói chung là tôi cũng không sợ nữa vì tôi quá phẫn nộ đi. Báo Hà Nội Mới là cơ quan ngôn luận của đảng mà họ “chơi” đồng chí của mình.
Tôi là nạn nhân mà bây giờ họ dựng đứng tôi hóa ra tôi là người dối trá, trả lời phỏng vấn báo này báo nọ là dối trá, bây giờ là dối trá rồi sau này họ bảo tôi vu khống thì chết dở tôi. Đã đến nước này rồi thì tôi cũng chả cần nữa, tôi không quan tâm.” 
RFA

0 nhận xét

Đăng một nhận xét