Luật sư Huỳnh Văn Đông, luật sư bảo vệ cho bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông trong phiên tòa xét xử 7 dân oan tại tỉnh Bến Tre vào ngày 30 tháng 5, đã cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết chi tiết về việc ông bị chánh án ra lệnh cho công an cặp nách đuổi ra khỏi phòng xử khi đang trình bày luận cứ bào chữa cho hai dân oan nói trên như sau:
“Trong lúc trình bày quan điểm, tôi bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre ra lệnh áp giải ra khỏi phòng xử. Tôi chỉ muốn trình bày rõ ràng cho tòa hiểu rằng 6 chữ cái HS-TS-VN, viết tắt của Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, không mang ý nghĩa phản động như cáo buộc của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, khi tôi đề cập đến vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là tòa án đã không thích và không hài lòng về vấn đề này nên đã ra lệnh áp giải tôi ra khỏi tòa.”
Luật sư Đông còn cho biết thêm là công an đã dẫn ông đến một địa điểm cách xa tòa án và bỏ mặc ông ở đó, khiến ông phải tự tìm đường trở lại khách sạn. Vì bị đuổi ra khỏi phiên tòa giữa chừng nên Luật sư Đông đã không những không “bào chữa” cho hai thân chủ của mình mà còn không biết gì về kết quả xét xử, phải nghe qua một luật sư biện hộ khác. Ngoài ra, trước khi bị đuổi ra khỏi phiên tòa, Luật sư Đông cho biết là trong phần trả lời thẩm vấn của tòa, bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông đã nói là họ không làm điều gì sai trái với luật pháp, không vi phạm điều 79 như Viện kiểm sát cáo buộc và khẳng định là họ không nhận tội cũng như không xin khoan hồng.
Chính thái độ cương quyết này mà CSVN đã kết án bà Trần Thị Thúy 8 năm tù giam, 5 năm quản chế và ông Phạm Văn Thông 7 năm tù giam và 5 năm quản chế. Đây không chỉ là bản án độc ác và quá nặng đối với những người dân oan đã miệt mài đòi hỏi công lý cho chính mình và cho những bà con dân oan khác, mà còn thể hiện sự hoảng sợ của chế độ Hà Nội trước thái độ kiên cường đấu tranh bảo vệ Hoàng sa và Trường sa của bà con dân oan. Sự kiện tòa án Bến Tre đã xuẩn động đuổi Luật sư bảo vệ ra khỏi tòa chỉ vì không thích và không hài lòng những luận cứ bào chữa cho quyền biểu hiện lòng yêu nước khi viết 6 chữ HS.TS.VN, là một hành động mang tính tội ác.
Thứ nhất, đuổi một luât sự biện hộ ra khỏi tòa chỉ vì không thích nghe các luận cứ bào chữa là một vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Chánh án và tòa án không thể đơn phương dựa trên điều không muốn nghe bào chữa để cưỡng bức luật sư rời phiên tòa cũng như tước đoạt quyền được bào chữa của những bị can. Chỉ khi nào Luật sư biện hộ không giữ đúng quy trình của tòa hay có những bào chữa đi ra ngoài khuôn khổ cáo buộc của Viện kiểm sát thì tòa mới ngưng trách nhiệm của Luật sư. Đàng này, Cáo trạng của Viện kiểm sát Bến Tre cáo buộc bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông đã quảng bá 6 chữ HS.T.VN cho bà con dân oan là vi phạm luật pháp nên Luật sư Huỳnh Văn Đông đã chứng minh việc làm này không mang ý nghĩa phản động, thì bị đuổi ra ngoài.
Thứ hai, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Đây là một sự thật mà chính chế độ Hà Nội cũng đã xác nhận. Vậy thì việc giúp người dân cả nước biết rõ về sự thật này để cùng nhau tranh đấu, cùng nhau bảo vệ sao lại bị cáo buộc là chống chế độ? Đây không chỉ biểu hiện lòng yêu nước mà còn là trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam phải có hầu giúp nhau khẳng định quyết tâm bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa. Ngăn cấm và khống chế những ai đề cập đến 6 chữ HS.TS.VN chứng tỏ là nhà cầm quyền Hà Nội không những đã tự chối bỏ bổn phận bảo vệ toàn vẹn biển đảo của Viêt Nam mà còn là biểu hiện sự khiếp nhược và nô lệ đối với Bắc Kinh. Sự kết án nặng nề của Hà Nội đối với 7 dân oan Bến Tre cho thấy là Hà Nội đang phục vụ Bắc Kinh thay vì dân tộc Việt Nam, và đang nối giáo cho giặc.
Thứ ba, bà Trần Thị Thuý và ông Phạm Văn Thông mà Luật sự Huỳnh Văn Đông nhận bảo vệ trước tòa đã không chỉ quảng bá khẩu hiệu ghi 6 chữ HS.TS.VN để vận động bà con ý thức hiểm họa xâm lăng phương Bắc, mà chính bà còn là một dân oan cùng giúp đỡ và đi khiếu kiện với hằng ngàn dân oan khác để đòi công lý trong hai thập niên qua. Bà Thúy hay ông Thông đã bỏ nhiều công sức liên lạc, giúp đỡ và vận động bà con dân oan tại các tỉnh miền Nam đến với nhau và đùm bọc nhau trên con đường khiếu kiện đòi công lý. Hà Nội lại cố tình coi việc giúp nhau đi khiếu kiện là một âm mưu và độc ác cáo buộc rằng đó là hành động lật đổ chế độ. Tòa án và nhà nước CSVN đã mặc nhiên chọn thế đứng của những kẻ coi thường công tâm, công đạo và công lý. Những sự kiện xảy ra xung quanh phiên tòa tại Bến Tre vào ngày 30 tháng 5, khiến cho chúng ta nhớ lại hai phiên tòa từng xảy ra trước đây với ít nhiều điểm tương đồng.
Phiên tòa ngày 6, 7, 8, 9 tháng 10 năm 2010 tại Hải Phòng, xét xử 9 nhà dân chủ đã có hành động treo biểu ngữ kêu gọi người dân cả nước cùng nhau bảo vệ Biển, Đảo đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Phiên tòa này, đảng CSVN đã kết án tổng cộng 59 năm tù cho 9 nhà dân chủ yêu nước gồm 32 năm tù giam và 27 năm quản chế. Đây là phiên tòa mà CSVN đã dàn dựng để kết án những người yêu nước không khác gì sự kết án 7 dân oan Bến Tre vào ngày 30 tháng 5 với bản án tổng cộng 60 năm tù gồm 32 năm tù giam và 28 năm quản chế vì chỉ vì họ đã quảng bá 6 chữ HS.TS.VN.
Phiên tòa ngày 4 tháng 4 năm 2011 tại Hà Nội, xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Bốn luật sư biện hộ cho Tiến sĩ Hà Vũ đã yêu cầu tòa cung cấp bằng chứng buộc tội để tiến hành việc bào chữa theo luật định. Tuy nhiên, thay vì Tòa phải cung cấp các dữ kiện theo yêu cầu, thì lại đuổi Luật sư biện hộ của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ra ngoài. Rốt cuộc là Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù giam không có luật sư biện hộ. Lần này cũng vậy, sau khi đuổi Luật sư Huỳnh Văn Đông ra khỏi tòa, Hà Nội đã kết án bà Trần Thị Thúy 8 năm tù giam và ông Phạm Văn Thông 7 năm tù giam.
Những diễn biến nói trên đã càng tô rõ hai hình ảnh của hệ thống tư pháp tại Việt Nam:
Thứ nhất là tính lạc hậu và kệch cỡm của một tòa án phi công lý. Vai trò luật sư trong phiên tòa, dưới mắt Cộng sản Việt Nam không phải để biện hộ hay bào chữa cho bị cáo mà chỉ là cây kiểng được đưa ra trang trí, tô vẽ cho ra vẻ vô tư, chí công của một guồng máy chuyên chà đạp công lý bằng những bản án định sẵn từ cấp cao hơn.
Thứ hai là Cộng sản Việt Nam thật sự lo âu về phong trào quảng bá 6 chữ HS.TS.VN và phong trào khiếu kiện đòi tài sản, đất đai của dân oan. Qua Cáo Trạng của vụ án Bến Tre, nhà cầm quyền CSVN đã để lộ rõ sự hốt hoảng về khẩu hiệu 6 chữ được tán phát rộng rãi và sự hưởng ứng nồng nhiệt của quần chúng cùng bà con dân oan đối với phong trào. Trước đây Hà Nội đánh giá thấp về nỗ lực bảo vệ đảo biển và đòi công lý của những người dân thấp cổ bé miệng, nhưng trong vài năm gần đây khi sự tụ họp kiên trì và mở rộng của bà con dân oan từ Nam chí Bắc, cũng như tác động của phong trào lên dư luận khiến Hà Nội không còn dám coi thường vì nó đã trở thành lực khởi động của làn sóng đấu tranh bất bạo động.
Sau cùng, phiên tòa “Củ khoai” tại Bến Tre vừa qua cùng với những phiên tòa vội vã, lén lút trước đây đối với các nhà dân chủ đã nói lên tâm trạng bất an của một chế độ đi ngược lòng dân và biết ngày tàn của mình đang điểm. Số lượng người Việt yêu nước bị đem ra xử càng đông thì các buổi xử lại càng thêm lố bịch, trơ tráo – trong cũng như ngoài phòng xử - với hàng rào kẽm gai và số lượng công an được điều động gia tăng, tràn ngập quanh khu vực tòa án. Từ chuyện “bịt miệng” các Luật sư biện hộ cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong buổi xử ngày 4 tháng 4 khiến cho các Luật sư bỏ ra khỏi phòng xử, tới việc công an cặp nách dẫn Luật sư Huỳnh Văn Đông ra khỏi phiên tòa, cho thấy nhà cầm quyền CSVN đã và đang biến tòa án thành một sân khấu hài độc diễn của các quan chức nhà nước mà thôi.
Trung Điền
http://www.viettan.org/spip.php?article11186Nguồn:
0 nhận xét