Thông tín viên RFI, Karim Lebhour, tường thuật từ New York :
Vào lúc này, ông Luis Moreno-Ocampo chưa muốn nêu tên cụ thể những người bị tố cáo, nhưng về các tội ác được quy cho những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp, thì ông Kadhafi tất nhiên sẽ nằm trong số những người bị truy nã.
Biện lý Toà án Quốc tế đã khẳng định trước Hội đồng Bảo an là cuộc đàn áp tại Libya đã làm hàng ngàn người chết, khoảng từ 500 đến 700 người riêng trong tháng Hai. Đó là những hành động mà theo ông, có thể xem là tội ác chống nhân loại.
Ông nói : « Chúng tôi có đủ bằng chứng về hai loại tội ác : bắn xả vào người biểu tình ở nơi công cộng, và hành động truy bức, tức là những vụ bắt giam vô cớ, tra tấn và thủ tiêu tông tích của những người bị xem là chống đối chế độ. Thông tin mà chúng tôi có được còn cho thấy là hành động tấn công vào thường dân vẫn tiếp diễn, không chỉ ở nhũng vùng đang có chiến sự, mà cả ở các thành phố như Tripoli mà thường dân cũng bị bắt, tra tấn và sau đó mất tích.’’
Các thẩm phán Toà án Hình sự Quốc tế La Haye sẽ ban hành các lệnh truy nã nói trên trong những tuần lễ sắp tới đây. Toà án cũng đang điều tra về cái chết hàng chục người Châu Phi ở Benghazi, bị đám đông giận dữ tố cáo là lính đánh thuê của ông Kadhafi.
Có thêm cả ngàn người được di tản từ Misrata qua Benghazi
Trong khi đó tại chỗ, tàu của Tổ chức Di trú Quốc tế (OIM) đã được 1000 người ra khỏi Misrata và đến Benghazi vào hôm nay. Phần đông là người lao động nhập cư nước ngoài, người Nigeria, và Tây Phi, bên cạnh cả trăm thường dân Libya, và một số người bị thương.
Chiếc tàu Red Star One đã rời bến Misrata vào ngày 04/05/11trong tình huống rất nguy hiểm. Phát ngôn viên tổ chức cho biết là họ không khác gì được phép lạ che chở, họ đã bốc dỡ lên cảng 180 tấn hàng cứu trợ, trước khi cho cả ngàn người nói trên lên tàu. Trong lúc đó, khoảng trái 20 rocket rơi xuống khu vực không xa chiếc tàu. Trại tam trú của những người lao động nước ngoài chờ được di tản đã trúng pháo kích, 5 người Nigeria bị thiệt mạng.
Đây là lần thứ sáu mà tàu của Tổ chức Di trú đưa người đến Benghazi từ khi Misrata bị quân đội ông Kadhafi vây hãm cách nay 2 tháng. Hàng mấy trăm người nước ngoài vẫn còn kẹt lại cảng Misrata.
Trên bình diện quốc tế, Nhóm Tiếp xúc về Libya, họp lại hôm nay tại Roma, đã thông báo quyết định thành lập một ‘quỹ đặc biệt’ để tài trợ cho Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp (CNT) tên gọi cơ chế lãnh đạo chính trị của phe nhóm nổi dậy.
Ngoại trưởng Ý thông báo tin này, phiá Ý cũng đồng thời kêu gọi các đồng minh công nhận cơ chế chính trị này.
Phát biểu trước cử tọa, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rõ là Hoa Kỳ sẽ sử dụng tiền trong các quỹ của chế độ Kadhafi bị phong toả tại Hoa Kỳ để giúp đỡ cho ‘nhân dân’ Libya. Tài sản phong toả này trị giá hơn 30 tỷ đô la.
Cuộc họp lần thứ hai này của Nhóm Tiếp xúc nối tiếp theo cuộc họp tại Luân Đôn vào tháng 3, cũng vẫn là để bàn thảo về phương cách hỗ trợ tài chính cho phe đối lập và tìm giải pháp đi đến ngưng bắn tại Libya.
Đại diện 22 quốc gia, 6 định chế quốc tế trong đó có NATO, Tổ chức Hội Nghị Hồi Giáo OCI.... đã tham gia cuộc họp hôm nay với các quan sát viên như Liên Hiệp Châu Phi và Ngân Hàng Thế Giới.
RFI
0 nhận xét