DOWNLOAD

------------------
-------------------

Trạng thái: Home» Tự Do Tôn Giáo » Nạn đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc

Hình: AP
Cảnh sát canh gác nơi các thành viên
của 1 giáo hội tại gia dự tính
thờ phượng tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Các tổ chức ở Mỹ chuyên tranh đấu cho tự do tôn giáo nói rằng việc nhà chức trách Trung Quốc hôm 24 tháng tư bắt giam gần 40 thành viên của một hội thánh Phúc Âm trong lúc những người này định tổ chức thánh lễ mừng Lễ Phục Sinh đã nêu bật tình hình khó khăn về tự do tôn giáo ở Trung Quốc.
Tuy hiến pháp Trung Quốc dành quyền tự do tôn giáo cho các giáo hội được nhà nước thừa nhận, những nhân vật tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo nói rằng sự bách hại của chính phủ đối với những giáo hội thường được gọi là giáo hội “chui” hoặc giáo hội “tại gia”, như vụ đàn áp hôm 24 tháng tư nhắm vào Hội thánh Thủ Vọng ở Bắc Kinh, hiện đang trên đà gia tăng.

Ông Mark Shan là phát ngôn viên của ChinaAid, một tổ chức chuyên theo dõi những vụ bách hại tôn giáo ở Trung Quốc. Ông Shan cho biết như sau:


"Trong 5 năm qua, năm nào mức độ bách hại cũng đều gia tăng – xét về số các hội thánh bị đàn áp, xét về số người theo đạo Tin Lành bị bắt, bị tuyên án, bị ngược đãi hoặc bị tra tấn. Đây là một hiện tượng xuất hiện trên cả nước, một hiện tượng xuất hiện khá thường xuyên. Năm nào cũng vậy."

Những người trong Hội thánh Thủ Vọng cho biết rằng bên cạnh con số gần 40 người bị bắt giam còn có hơn 500 thành viên của Hội thánh cũng bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, hiện chưa rõ trong thời gian tới đây nhà chức trách có chính thức truy tố những người bị bắt hoặc bị giam lỏng hay không.

Ông Mark Shan nói rằng tình trạng đàn áp không chỉ giới hạn ở thủ đô Bắc Kinh. Ông cho biết:

"Từ tỉnh Hà Nam cho tới tỉnh Sơn Đông trong tháng này, thậm chí ở Tân Cương, Nội Mông, các vụ đàn áp vẫn không ngừng tiếp diễn và có phần nghiêm trọng hơn năm ngoái."

Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, khoảng 15 triệu người Cơ đốc giáo và 5 triệu người Công giáo tham gia sinh hoạt trong các giáo hội có ghi danh với chính quyền. Các chuyên gia cho biết khoảng 50 triệu người khác thực hiện các buổi cầu nguyện và cử hành thánh lễ tại các 'giáo hội chui' hay 'hội thánh tại gia', như Hội thánh Thủ Vọng, vì không muốn tự khép mình trong vòng khống chế của nhà nước.

Ông Joseph Kung là một viên chức của Quỹ Hồng y Kung, một tổ chức chuyên theo dõi cách đối xử của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với các tín đồ Công giáo ở Trung Quốc. Ông Kung nói rằng tuy nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh nhưng điều này không hề làm chậm lại xu thế đàn áp người Công giáo ở quốc gia này.

Ông nói: "Người dân vẫn tiếp tục bị giam cầm. Các vị linh mục tiếp tục bị bỏ tù. Các vị giám mục vẫn còn ở trong tù. Chúng tôi không biết họ bị giam ở đâu, thậm chí còn không biết là họ còn sống hay đã chết."

Ông Joseph Kung, cháu họ của cố Hồng y Kung Pin-Mei, muốn nói tới Giám mục Sue Zhiming và Giám mục Shi Enxiang, hai vị giám mục của Giáo hội Công giáo không được chính quyền thừa nhận đã bị biệt tích hơn 10 năm nay.

Ông Kung cho hay những tín đồ Công giáo thuộc giáo hội chui phải tiến hành việc thờ phượng một cách lén lút ở nhà riêng hoặc ở những cánh đồng để tránh tai mắt của nhà chức trách. Ông nói thêm như sau:

"Tuy vậy công an vẫn tìm ra, và một khi tìm ra thì họ xông vào ngay mà không thông báo trước rồi bắt các linh mục, bắt các giáo dân và đôi khi họ còn tịch thu những vật dụng dùng trong thánh lễ. Vì vậy giáo hội chui ở Trung Quốc không hề có được một chút tự do nào cả."

Vụ đàn áp hôm 24 tháng tư ở Hội thánh Thủ Vọng diễn ra sau một loạt những vụ bắt bớ các nhân vật bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho dân quyền và các luật sư nhân quyền. Giới hữu trách ở Trung Quốc đặc biệt đề cao cảnh giác trong những tuần lễ vừa qua, sau khi có những lời nhắn đăng trên internet kêu gọi mọi người thực hiện điều được gọi là “những vụ phản kháng Hoa Nhài” vào mỗi ngày chủ nhật.

Ông Joseph Kung cho rằng những lời kêu gọi trên mạng có lẽ đã làm cho chính quyền Trung Quốc cảm thấy khẩn trương.

Ông nói: "Tôi cũng tin là họ muốn chứng tỏ sự độc lập của mình. Nhưng tôi thật sự không thể biết được cách suy nghĩ của những người Cộng Sản. Họ có thể làm bất kỳ những gì mà họ muốn."

Ông Mark Shan của tổ chức ChinaAid tán đồng nhận định cho rằng những lời kêu gọi biểu tình trên mạng có thể đã ảnh hưởng tới xu thế đàn áp ở Trung Quốc. Nhưng ông cho rằng hầu hết những vụ đàn áp tôn giáo đã diễn ra chỉ vì giới hữu trách cảm thấy lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của các giáo hội tại gia.

Tháng 10 năm ngoái, Đại hội Phúc âm Lausane Thế giới lần thứ ba đã mời hơn 200 nhân vật lãnh đạo giáo hội tại gia ở Trung Quốc đến dự hội nghị ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Ông Shan cho biết như sau về vấn đề này:

"Sau khi xảy ra sự việc đó, chính phủ Trung Quốc cũng như nhiều học giả, và ngay cả chính những người Cơ đốc giáo, ai nấy cũng đều cảm thấy ngạc nhiên. Họ nghĩ rằng giáo hội tại gia quả thật không phải là chuyện tầm thường, mà là một khối người rất đông đảo vì chúng ta có thể thấy là họ đã chọn được 200 đại biểu trên cả nước để đại diện cho giáo hội tại gia. Vì vậy đó là điều làm cho chính phủ Trung Quốc thật sự hốt hoảng."

Theo lời ông Shan, tháng 12 vừa qua, giới hữu trách Trung Quốc đã phát động một phong trào được đặt tên là “Chiến dịch Răn đe” để đàn áp các giáo hội tại gia. Ông Shan nói rằng tuy nhà cầm quyền Bắc Kinh đã nới lỏng hoạt động đàn áp hồi tháng hai, nhưng chiến dịch này giờ đây đã gia tăng cường độ sau khi ngày càng có nhiều những lời kêu gọi về Cách mạng Hoa Nhài.
VOA

0 nhận xét

Đăng một nhận xét