Có thể thấy rằng, những phản kháng ôn hòa vừa qua của cộng đồng H’Mong Mường Nhé là hệ quả tất yếu của một chính sách đàn áp tôn giáo đã trở thành hệ thống của chính quyền cộng sản vốn coi tôn giáo như thù nghịch, đòi hỏi chính quyền phải có một chính sách thông thoáng hơn về tự do tôn giáo đối với anh chị em các sắc tộc.
Những ngày qua, sự kiện đồng bào H’Mong tụ tập ôn hòa tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang là tâm điểm của công luận.
Truyền thông của Nhà nước Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin này. Từ ngày 30/4 đã có khoảng 5000 người H’Mong tụ tập đòi quyền tự do tôn giáo và quyền sống.
Chính quyền Việt Nam đã huy động một lực lượng hùng hậu gồm cả máy bay trực thăng của quân đội tham gia vào việc dẹp biểu tình và hiện nay tình hình đã có phần lắng dịu.
Thông tin mới nhất cho biết đã có 49 người H’Mong chết và rất nhiều người bị bắt và mất tích.
Mường Nhé là một huyện biên giới giáp gianh với Lào và Trung Quốc và là huyện nghèo nhất nước. Từ khoảng 30 năm nay, giống như huyện Mường Lát – một huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, Mường Nhé đón tiếp một lượng di dân ồ ạt từ một số tỉnh Tây Bắc tới sinh sống mà nguyên nhân là do nghèo đói và nguyên nhân chính yếu là do bị tước đoạt quyền tự do tôn giáo.
Theo thông tin nhận được, trong số những người bị bắt tại Mường Nhé vừa qua, ngoài những anh chị em giáo dân Tin Lành, cũng có một số tín hữu Công giáo đã bị bắt.
Hiện nay, tại Mường Nhé, có 4 cộng đoàn tín hữu Công giáo đang âm thầm sinh hoạt tôn giáo, với tổng số hơn 1000 nhân danh. Trong số những người công giáo bị chính quyền bắt giữ có một số anh chị em thừa tác viên phục vụ trong các cộng đoàn.
Tại Việt Nam, địa danh Tây Bắc, mấy năm nay nổi tiếng không phải chỉ vì vẻ đẹp kỳ bí của nó, nhưng còn bởi Tây bắc vốn được mệnh danh là “vùng trắng tôn giáo”. Từ nhiều năm nay, tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại vùng đất này hết sức nghiêm trọng, khiến các cộng đoàn tín hữu, nhất là Tin Lành phải phiêu dạt khắp nơi.
Theo con số thống kê không đầy đủ, tại các tỉnh Tây bắc hiện nay, có hàng trăm ngàn anh chị em tín hữu Tin Lành thuộc các chi phái khác nhau đang sinh hoạt và phải chịu rất nhiều bách hại từ phía nhà cầm quyền. Các bản làng hầu như luôn có sự hiện diện của công an biên phòng, nhằm ngăn chặn sự có mặt của các nhà truyền giáo.
Đối với Giáo hội Công giáo, tình trạng giáo dân bị chính quyền bắt bớ, kìm kẹp, đe dọa vẫn thường xuyên xảy ra. Ngay tại Mường Nhé, các linh mục cũng mới chỉ tới được đôi lần như khách du lịch thăm viếng, động viên cộng đoàn. Nhiều cộng đoàn giáo dân người H’Mong tại các tỉnh như Sơn La, Lai Châu cũng ở vào tình trạng tương tự.
Có thể thấy rằng, những phản kháng ôn hòa vừa qua của cộng đồng H’Mong Mường Nhé là hệ quả tất yếu của một chính sách đàn áp tôn giáo đã trở thành hệ thống của chính quyền cộng sản vốn coi tôn giáo như thù nghịch, đòi hỏi chính quyền phải có một chính sách thông thoáng hơn về tự do tôn giáo đối với anh chị em các sắc tộc.
8/5/2011
Như Ý
0 nhận xét