Thông báo ngày 18-8 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấm biểu tình «tự phát» được đông đảo người dân thủ đô cho là một thông báo lạ. Lạ vì không có tên, chức vụ, chữ ký của người chịu trách nhiệm, của người ra thông cáo. Lạ vì không có số công văn vào sổ đăng ký văn bản theo quy định hành chính.
Bản thông báo ấy được những người yêu nước biểu tình chống bành trướng xâm lược coi là không có giá trị vì vi phạm Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành ban bố năm 1992 ghi rõ công dân có quyền biểu tình theo hướng dẫn của pháp luật. Từ đó đến nay, vẫn chưa có luật biểu tình để hướng dẫn công dân thực hiện quyền hiến định của mình, đó là lỗi của Nhà nước, của Quốc hội, nhưng thiếu sót đó không thể xóa bỏ, trì hoãn quyền vốn có của công dân. Vì lẽ đó, bản thông báo ngày 18-8 của Ủy ban nhân dân Hà Nội hoàn toàn không có giá trị pháp lý, hoàn toàn không có giá trị cưỡng chế.
Huống hồ trên bản thông báo lạ kỳ này còn có một tính từ lạ. Đó là từ “tự phát”được dùng nhiều lần. Bản thông báo khuyết danh lên án và ngăn cấm các cuộc biểu tình tự phát. Tại sao lại tự phát? Thế nào là tự phát? thế nào là biểu tình tự phát? Trong khi nhiều bạn blogger trong và ngoài nước vẫn tiếp tục bàn tán, phân tích, mổ xẻ về bản thông báo không bình thường này, đây cũng là một điểm cần trao đổi thêm.
Tôi muốn được hỏi nhà văn, nhà ngôn ngữ học – blogger Nguyễn Hưng Quốc, theo bạn thế nào là cuộc biểu tình tự phát? Trong thông báo nói trên, người thảo công văn này có ý nghĩ thế nào là một cuộc biểu tình tự phát, và theo họ nó sai trái, nguy hiểm ra sao mà phải bị ngăn cấm?
Thiển nghĩ, từ tự phát nói lên ý nghĩ, não trạng của giới cầm quyền độc đảng, rất nên đi sâu phân tích, lý giải, khi họ nói đến những cuộc biểu tình gần đây của những người yêu nước. Tôi phán đoán có nhiều khả năng không sai là chính Bí thư thành ủy đảng CS Hà Nội - Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp nối nhau phê duyệt bản thông báo này, nhưng không ai muốn ghi rõ tên vì e ngại, vì sợ trách nhiệm, niềm e ngại và nỗi sợ dễ hiểu. Vì theo nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, thường xuyên và liên tụcthì một quyết định quan trọng như thế không thể không qua phê duyệt của những người có chức vụ cao nhất.
Theo nếp nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của nhà cầm quyền độc đảng, trong một nước xã hội chủ nghĩa do đảng CS độc quyền lãnh đạo, chỉ có những cuộc biểu tình tuần hành theo lệnh của đảng, tức là những cuộc biểu tình có chủ trương lãnh đạo của đảng, còn ngoài ra đều là những hành động tự phát, không có chủ trương lãnh đạo của đảng, là phạm nguyên tắc, là sai trái, phải bị cấm. Đây là nếp nghĩ đã hằn sâu trong não của giới lãnh đạo và trong não của một bộ phận nhân dân thiếu óc tự chủ, theo đó công dân chỉ được làm những gì đảng chỉ bảo, cho phép, không ai được làm điều gì tuy tự mình cho là đúng nhưng chưa được đảng cho phép, nếu cứ làm là phạm tội tự phát, từ chối sự dạy bảo, dạy dỗ, chăn dắt, lãnh đạo của đảng.
Trong một xã hội dân chủ, khái niệm tự phát hình như mang một ý nghĩa khác. Do đó khi dịch bản thông cáo của Ủy ban Nhân dân Hà Nội cho các nhà báo Pháp, tôi lúng túng, không biết dịch sao cho rõ nghĩa. Tự phát có khi mang ý nghĩa là suy nghĩ vội vàng, chưa chín, theo bản năng, nhẹ dạ, chưa có cân nhắc cẩn trọng,trái với tự giác, thường có nghĩa là qua suy nghĩ, cân nhắc kỹ. Tự phát cũng có nghĩa là tức thời, ngay lập tức. Do đó dịch sang tiếng Pháp có thể dịch là “d’instinct », “à la légère “hay là “spontané », đều không đúng nghĩa, không lột tả nội dung của người ra bản thông báo. Có bạn dịch ra tiếng Anh là «self-initiated».
Trong khi đó, theo ý nghĩ của người thảo và phổ biến bản thông báo thì tự phát có nghĩa là không nghe theo lãnh đạo, tự ý hành động một cách lộn xộn, tự do vô tổ chức, có hại, cần phải ngăn chặn cấm đoán và nghiêm trị. Cần giải thích rõ như thế cho các bạn nước ngoài.
Có thể nói lãnh đạo độc đảng và những người yêu nước biểu tình tuần hành chưa có cùng chung một ngôn ngữ, do không cùng chung một não trạng, rất khó có thể nói chuyện, đối thoại với nhau để đi đến thống nhất nhận thức, chữ nghĩa và hành động.
Một bên, những người yêu nước chống bành trướng coi việc sử dụng quyền biểu tình để biểu thị quyền tự do yêu nước vốn có của mỗi người công dân, không do ai sai khiến, giật dây, cũng không phải chờ khi có lệnh hay có luật biểu tình, tự mình vẫy gọi nhau tỏ thái độ mạnh mẽ dứt khoát cảnh cáo kịp thời bọn bành trướng là hành động chính nghĩa, chính đáng, theo đúng Hiến pháp, không một ai có quyền ngăn cản.
Trong khi đó nhóm lãnh đạo luôn giữ não trạng thâu tóm quyền lực trong tay, lại do đã trót ngầm cam kết với nhóm trùm bành trướng là ngăn chặn mọi cuộc đấu tranh mang tính chất quần chúng để chỉ dành cho việc thương lượng hòa bình song phương, nên buộc phải có bản thông báo lạ với khái niệm lạ lùng “tự phát», rất lạ lẫm với người ngoài cuộc.
Do đó việc tìm hiểu khái niệm tự phát có ý nghĩa rất quan trọng và lý thú để xác định rõ rệt thêm đâu là lẽ phải, đâu là chân lý và chính nghĩa, đâu là lòng yêu nước, ở phía kẻ ban hành bản thông báo kỳ lạ, hay ở phía những người bị bản thông báo kết tội một cách phi lý.
Theo: VOA
Trong bài viết từ năm 2009 với nhan đề “ Sơ lược về Xã hội Dân sự Tòan cầu”, tôi đã có dịp trình bày về những nét chính yếu của một thực thể văn hóa xã hội đang mỗi ngày một thêm phát triển trong thế giới ngày nay với khuynh hướng tòan cầu hóa về nhiều phương diện, đặc biệt là về mặt khoa học kỹ thuật, về kinh tế chính trị, cũng như về văn hóa xã hội, và nhất là về sự bùng nổ thông tin qua kỹ thuật của mạng lưới tòan cầu internet vào những năm đầu của thế kỷ XXI hiện nay.
Trong bài viết này, tôi muốn được trình bày rõ ràng chi tiết hơn về các mặt sinh họat của Tôn giáo trên bình diện địa lý trải rộng khắp mọi vùng của thế giới nhân sinh, cũng như trên phương diện quy mô những vấn đề hệ trọng có liên hệ mật thiết đến sự sống còn của tòan thể các dân tộc hiện đang sinh sống trên hành tinh trái đất này.
Để độc giả dễ bề theo dõi câu chuyện, tôi xin được nhắc lại một cách hết sức vắn tắt về vài ba điều cốt yếu đã được đề cập đến trong các bài trước thuộc về chủ đề Xã hội Dân sự, mà có liên quan chặt chẽ đến sinh họat của càc tổ chức thuộc bất kỳ niềm tin tôn giáo nào. Tiếp theo, ta sẽ nêu ra những đường hướng phát triển sinh họat tôn giáo trong bối cảnh chung của xã hội đang trên đà tòan cầu hóa hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.
A – Tôn giáo phát triển cùng nhịp với Xã hội Dân sự.
1 – Trước hết, tôn giáo là một thành phần quan trọng nằm trong khu vực Xã hội Dân sự, với tính chất “phi chính phủ“ (non- governmental NGO) và “bất vụ lợi” (non-profit), tức là nằm ngòai khu vực chính quyền Nhà nước, mà cũng khác biệt với khu vực Thị trường của các công ty xí nghiệp là những cơ sở kinh doanh chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận (for profit). Bình thường XHDS, cũng như Thị trường kinh doanh sinh họat trong khuôn khổ của một quốc gia, và chịu sự chi phối của luật pháp trong quốc gia đó. Trong nhiều quốc gia hiện nay, điển hình như ở Mỹ, ở Ấn độ, thì đã có đến hàng triệu những tổ chức NGO và nhiều triệu những nhóm nhỏ (small groups) mà lại có những họat động tại nhiều nơi trên trường quốc tế, chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ bé của riêng nước mình. Lại nữa, nhiều tổ chức nhỏ như Phong trào Bảo vệ Môi sinh (Green Peace), tổ chức Minh bạch Quốc tê (Transparency International), Ân xá Quốc tế (Amnesty International) v.v…, thì lại có họat động trên phạm vi tòan cầu, mặc dầu ngân sách và nhân sự của họ rất là eo hẹp hạn chế.
2 – Nhưng với sự phát triển của những công ty đa quốc gia (multi-national corporations), những định chế kinh tế tài chính đồ sộ như Ngân Hàng Thế giới (World Bank WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (International Monetary Funds IMF)…, thì trên thế giới ngày nay đang trổi lên một thực thể kinh tế đồ sộ được gọi là nền kinh tế tòan cầu (the Global Economy).
Rồi đến tổ chức Liên Hiệp Quốc tuy chưa phải là một thứ “Chính phủ Tòan cầu” với thẩm quyền bao trùm trên mọi quốc gia thành viên, thì đó cũng là một Diễn Đàn, một Cơ cấu chính trị có tính cách tòan cầu nhằm giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn giữa các quốc gia, cũng như tăng cường sự hợp tác phát triển và tình liên đới huynh đệ giữa mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế.
Và cũng trong chiều hướng phát triển tương tự như thế, mà ta có thể nói rằng hiện đang có một thực thể văn hóa xã hội bao quát trong thế giới hiện đại được gọi là “Xã hội Dân sự Tòan cầu” (the Global Civil Society).
3 – Nhờ sự giao thông di chuyển mau lẹ, cũng như thông tin liên lạc dễ dàng, và nhất là phong trào di dân từ nước này qua nước khác mỗi ngày một thêm phát triển, các tôn giáo đã thiết lập được cả một hệ thống những tổ chức họat động riêng biệt của mình vượt ra ngòai mọi biên giới quốc gia, qua các nhà dòng thừa sai hay do các cơ sở văn hóa xã hội, từ thiện nhân đạo. Hiện tượng phổ biến này không phải là đặc trưng duy nhất xưa nay của Thiên chúa giáo từ các quốc gia Âu Mỹ, mà còn được thấy trong mọi tôn giáo, cụ thể như với phong trào phát triển Hồi giáo rất mạnh mẽ khắp nơi từ hơn nửa thế kỷ nay, hoặc sự phổ biến tại các nước Âu Mỹ của các trung tâm về thiền học xuất phát từ Á châu, của đạo Hindu xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ, của đạo Bahai’ xuất phát từ Ba Tư v.v…
Thành ra tình trạng đa dạng và đa nguyên về Tôn giáo (religious diversity/pluralism) mỗi ngày càng thêm khởi sắc tại nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới ngày nay. Và hậu quả là nhân lọai đang có một tinh thần bao dung về phương diện tôn giáo (religious tolerance) được cổ võ khích lệ ở mức độ cao nhất trong lịch sử các dân tộc từ xưa tới nay. Đó quả là một bước tiến bộ rất đáng lạc quan cho lòai người sau bao nhiêu thế kỷ tranh chấp đẫm máu tàn bạo vì lý do mâu thuẫn tôn giáo.
B – Tôn giáo ngày nay lại có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phục vụ con người và xã hội.
1 – Một số nhân vật điển hình nổi bật vì những họat động từ thiện nhân đạo và tranh đấu bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền, cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình trên thế giới.
Trước khi phân tích về cơ cấu tổ chức và lề lối điều hành của các chương trình hành động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo ( Faith-based Social Action Program), ta có thể liệt kê ra một số nhân vật tôn giáo xuất chúng với những họat động được cả thế giới biết đến và cảm phục, cụ thể như sau đây :
a/ Mục sư Albert Schweitzer với bệnh viện chăm sóc cho người nghèo túng ở vùng rừng rậm trong xứ Gabon ở Phi châu. Ông sinh trưởng tại vùng Alsace, mà vừa là nhà thần học, nhạc sĩ và bác sĩ y khoa, ông có liên hệ bà con với thân mẫu của triết gia Jean Paul Sartre. Sự hy sinh kiên trì của ông trong việc chăm sóc cho các bệnh nhân ở Phi châu đã được thế giới đánh giá rất cao, và ông đã được cấp phát giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1952.
b/ Nữ tu Teresa ở Calcutta, thường được gọi là Mẹ Teresa (Mother Teresa) là người xứ Albania mà qua phục vụ những người khốn cùng nhất trong khu vực Calcutta thuộc tiểu lục địa Ấn độ. Cả thế giới khâm phục sự hy sinh của bà cũng như của các chị em nữ tu Bác ái do bà điều khiển để tận tình chăm sóc cho những người tuyệt vọng vì bệnh họan, đói khát cận kề với cái chết. Chính cái cung cách chăm lo trìu mến chân thành như thế đối với lớp người cùng đinh mạt hạng trong xã hội Ấn độ đã làm cho tòan thế giới cảm kích mến chuộng và Chánh phủ Na Uy đã cấp phát cho Mẹ Teresa giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1979, và chánh phủ Ấn độ cũng đã cấp phát quy chế công dân danh dự cho bà.
c/ Giám mục Desmond Tutu tại Nam Phi là một trong những người nổi tiếng trên thế giới vì đã tận lực tranh đấu chống nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi và ông đã được vinh danh với giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1984, cùng với nhiều giải thưởng cao quý khác trên thế giới. Ông cũng được Tổng thống Nelson Mandela mời chủ tọa Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải ở Nam Phi vào cuối thập niên 1990, nhằm hàn gắn những hận thù sâu đậm nặng nề giữa các sắc dân da trắng và da màu do chế độ kỳ thị tàn ác lâu đời Apartheid gây ra.
d/ Mục sư Martin Luther King ở Mỹ là một kiện tướng lãnh đạo phong trào tranh đấu dân quyền của lớp người da màu chống lại nạn kỳ thị tàn bạo, dày xéo nhân phẩm lâu đời đối với người Mỹ gốc Phi châu tại các tiểu bang thuộc khu vực miền Nam. Việc tranh đấu bất bạo động mà rất mực kiên quyết của ông đã được tòan thể người da màu hưởng ứng, và gây được sự ngưỡng mộ và thiện cảm của khắp thế giới, ông được tôn vinh với giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1964. Nhưng tiếc thay, vào năm 1968, ông lại bị một kẻ cuồng tín sát hại.
e/ Mục sư Rick Warren tại Saddleback Valley Community Church trong Quận Cam, California được tạp chí Time xếp vào danh sách “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004”. Ông là tác giả của cuốn sách bestseller, bán được trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6 – 7 năm. Cộng đòan tín hữu xung quanh ông hiện đã lên đến con số trên 25,000 người, được xếp hàng thứ 8 trong số trên 1,200 Megachurch (Đại giáo đòan) tại Mỹ. Megachurch này đặc biệt đang góp phần cộng tác với chánh phủ và nhân dân Rwanda trong việc thực hiện một chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội và nhân đạo rất lớn lao tại xứ sở này ở Phi châu là nơi đã xảy ra vụ tàn sát diệt chủng ghê rợn vào năm 1994. Megachurch này cũng tham gia hết sức tích cực vào việc chăm sóc cho hàng chục triệu nạn nhân bệnh HIV/AIDS ở Phi châu nữa.
f/ Ông Inamullah Khan là vị sáng lập và Tổng thư ký Hội nghị Hồi giáo Thế giới (The World Muslim Congress) tại Karachi, Pakistan. Ông dành trọn cuộc đời để xây dựng hòa bình giữa người Muslim, Thiên chúa giáo và Do thái giáo. Đặc biệt, ông còn đóng vai trò chủ yếu trong việc giàn xếp chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Iran và Irak hồi đầu thập niên 1980. Năm 1987, ông được cấp phát Giải thưởng Hòa bình Niwano của Nhật bản. Và năm 1988, ông còn được lãnh Giải thưởng Templeton ở Anh quốc vì những đóng góp cho sự Tiến bộ về Tôn giáo, giải thưởng này có giá trị hiện kim là 1,000,000 đồng bảng Anh, còn cao hơn giải Nobel Hòa bình nữa. Ông qua đời vào năm 1997 ở tuổi 85, trước sự thương tiếc của biết bao nhiêu người.
g/ Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây tạng cũng đã được trao tặng giải Hòa bình Nobel năm 1989, vì luôn cổ võ giải pháp hòa bình dựa trên sự khoan dung và tương kính lẫn nhau nhằm bảo tòan truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Tây tạng. Vị lãnh đạo này kiên quyết chống đối việc sử dụng bạo lực trong cuộc tranh đấu nhằm giải phóng cho xứ sở của ông. Ngài được người dân Tây tạng tôn kính như là Vị Phật sống vậy.
2 – Chương trình Hành động Xả hội dựa vào Niềm Tin.
Nói chung, thì tôn giáo nào cũng có ba lọai sinh họat chính yếu, đại để là : Giảng đạo- Giáo lý-Nghi lễ (Ministry), Phục vụ Xã hội (Service) và Xây dựng Hòa bình (Peacebuilding).
Vì lý do kỹ thuật quản lý điều hành, các nhiệm vụ này được phân bố cho các cơ sở khác nhau, cụ thể như cơ quan Catholic Relief Services (CRS = Cứu trợ Công giáo) thì dù do Giáo Hội Công giáo Mỹ thành lập, nhưng họat động lại tách biệt khỏi hệ thống mục vụ của giáo quyền. Cơ quan World Vision (WV) cũng vậy, đó là một tổ chức họat động rất mạnh mẽ cùng khắp thế giới, nhưng cũng không trực tiếp thống thuộc vào một thẩm quyền của một Giáo hội Tin lành nào.
a/ Sau một quá trình họat động lâu dài, các tổ chức từ thiện nhân đạo này đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu, để mở rộng phạm vi họat động ra nhiều lọai dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu mỗi ngày thêm phức tạp của người dân với sự khác biệt rõ rệt về truyền thống văn hóa xã hội, cũng như tôn giáo tại các châu lục khác nhau.
Khởi đầu, đó chỉ là một chương trình cứu trợ khẩn cấp để cấp phát thực phẩm, quần áo, thuốc men cho các nạn nhân thiên tai vì động đất, bão lụt hay do chiến tranh gây ra. Nhưng lần hồi, thì các tổ chức lớn như World Vision, Catholic Relief Services… lại đã có sáng kiến thực hiện những dự án có tính cách phát triển về kinh tế kỹ thuật (economic and technical development projects) nhằm giúp người dân có thể tự túc mưu sinh một cách lâu bền được, mà không phải cứ ngửa tay đi xin viện trợ, xin của bố thí mãi. Muốn làm được như vậy, các tổ chức này phải tìm cách “liên kết” (in partnership) với các đối tác ở từng địa phương, cũng như với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như UNESCO, UNICEF, UNHCR, WHO, ILO ( Cơ quan Văn hóa, Cứu trợ Nhi đồng, Cao Ủy Tỵ nạn, Tổ chức Y tế, Văn phòng Lao Động) v.v…
b/ Một vài con số thống kê minh họa.
* Vào năm 2007, ngân sách của World Vision là 2.6 tỉ mỹ kim, với tổng số nhân viên là 40,000 người, mà trên 90% là người địa phương các quốc gia sở tại và họat động sát cánh với người dân tại trên 100 quốc gia trong cuộc tranh đấu chống lại nạn đói, sự nghèo túng, nạn bất công xã hội… Riêng tại Ấn độ, WV đã có kinh nghiệm làm việc ở đây từ trên 50 năm dàn trải khắp 26 tiểu bang của quốc gia rất đông dân này. WV còn có sáng kiến hướng dẫn cho giới nông dân ở các nước Á châu, Phi châu, châu Mỹ Latinh mở những nông trại nhỏ với những kỹ thuật đơn giản để cho họ và gia đình có thể tự túc được (small farms for self-reliance).
* Vào năm 2010, ngân sách của CRS là trên 900 triệu mỹ kim với tổng số nhân viên là trên 5,000 người và cũng họat động tại 90 quốc gia. CRS cũng đã chi ra 190 triệu mỹ kim để cứu trợ các nạn nhân nạn Sóng thần Tsunami ơ Indonesia năm 2004. CRS cũng dự trù cung ứng 200 triệu mỹ kim trong 5 năm cho các nạn nhân nạn động đất ở Haiti năm 2010.
Ngòai ra CRS lại còn thường xuyên tổ chức các khóa hội thảo quốc tế về Xây dựng Hòa bình tại các cơ sở chuyên môn như Mindanao Peace Institute ở Philippines, tại Joan B Kroc Institute for International Peace Studies tại Đại học Notre Dame ở Indiana Hoa kỳ.
c/ Họat động cứu trợ của Hồi giáo và Phật giáo.
* Từ 40 – 50 năm gần đây, với sự tăng giá của dầu hỏa, nên nhiều quốc gia Hồi giáo ổ vùng Trung Đông đã trở nên giàu có, và họ đã rộng rãi đóng góp vào việc từ thiện xã hội tại nhiều nới, nhất là đối với các đồng đạo của họ mà gặp khó khăn vì thiên tai hay do bị độc tài áp bức như ở Liên Xô thời đó. Tại nhiều nước như Ả rập Seoud chẳng hạn, chính quyền đã giúp thiết lập một cơ quan cứu trợ Hồi giáo lấy tên là “International Islamic Relief Organisation” (IIRO). Vào năm 1984, một tổ chức độc lập được thành lập và lấy tên là “Islamic Relief Worldwide” (IRW). Tổ chức IRW này được nhận vào làm thành viên của Hội Đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hiệp Quốc, và liên kết họat động với Hội Hồng Thập tự Quốc tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ (Red Crescent) và cùng chung sức với 15 thành viên liên kết khác nữa. Ngân sách của IRW vào năm 2009 được ghi là có trên 100 triệu mỹ kim.
* Về phía Phật giáo, thì chưa có những tổ chức từ thiện nào có quy mô lớn lao có thể so sánh với các tổ chức WV, CRS, IRW nói trên. Nhưng từ xưa, tại các chùa ở miền quê hẻo lánh, thì các Phật tử ở địa phương vẫn thường xuyên tổ chức việc cứu đói, cứu nạn nhân thiên tai bão lụt v.v… Gần đây báo chí có đưa tin một số chùa ở Thái Lan đã thâu nhận và săn sóc cho những người bị bệnh HIV/AIDS mà bị gia đình hay xã hội ruồng bỏ. Trên Internet, ta có thể tìm thấy thông tin về một cơ quan lấy tên là Buddhist Global Relief (BGR) mới được thành lập 4-5 năm nay, và có chương trình họat động tai Kenya, Niger, Sri Lanka, India, Cambodia, Haiti, Mỹ và Việt nam. Ngân sách của BGR năm 2009 được ghi là có trên 111,000 mỹ kim.
Cũng cần ghi thêm về Quỹ Từ Tế ( Tzu Chi Foundation – the Buddhist Compassion Relief) do Sư Bà Cheng Yen ở Đài Loan thiết lập từ năm 1966 nhằm góp phần vào các chương trình phát triển cộng đồng, đặc biệt về y tế, giáo dục và nhân bản ở Đài Loan và trên nhiều quốc gia khác. Hiện nay Quỹ đã quy tụ được 10 triệu thiện nguyện viên và yểm trợ viên tại 50 quốc gia và điều hành các chương trình cứu trợ tại trên 70 nước khắp thế giới. Tháng 4 năm 2011, tuần báo Time đã xếp tên tuổi của Sư Bà Cheng Yen vào danh sách “ 100 Nhân vật có Ảnh hưởng nhất trên thế giới”.
C – Để tóm lược lại.
Qua sự trình bày sơ lược trên đây, ta có thể tạm thời rút ra được một vài ghi nhận khái quát như sau :
1 – Vì giàu lòng từ bi bác ái, nên tôn giáo nào cũng dễ dàng kêu gọi các tín đồ của mình tham gia tích cực vào công việc từ thiện nhân đạo để cứu trợ người đồng lọai đang gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo do thiên tai hay do chiến tranh tàn phá. Khi dấn thân nhập cuộc để thực hiện những công tác này, các tôn giáo đã đóng vai trò “làm đối tác” đối với chính quyền nhà nước trong sự nghiệp phục vụ quần chúng nhân dân, như đã trình bày ở bài 1 trong lọat bài này (counterpart).
2 – Nhưng lần hồi các tôn giáo đã mở rộng thêm phạm vi họat động nhân đạo sang các lãnh vực khác như phát triển kinh tế xã hội, tìm mọi cách để bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người, của nạn bất công đàn áp bóc lột, nạn độc tài chà đạp nhân phẩm và nhân quyền của các công dân… Ngòai ra, các tôn giáo còn đi xa hơn nữa trong lãnh vực “Làm trung gian để giàn xếp những mâu thuẫn tranh chấp ở các địa phương”, cùng tìm cách góp phần vào công việc “Xây dựng Hòa bình trên Thế giới” nữa. Để có thể thực hiện viên mãn được những công việc khó khăn phức tạp này, các tôn giáo đã bắt đầu biết cách liên kết rộng rãi với giới hàn lâm đại học (academia),với các tổ chức NGO khác, và cả với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc nữa. Làm như thế, các tôn giáo đã đóng được “vai trò làm Đối trọng đối với các chính quyền nhà nước” (counterbalance) trong ý hướng bảo vệ Công lý và Hòa bình cho con người trong xã hội ngày nay vậy.
3 – Nhờ sự cộng tác chân thành và sự liên kết bền chặt với nhiều thành phần có niềm tin tôn giáo khác nhau, qua những công tác cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ đồng lọai kém may mắn trong suốt một thời gian lâu dài như vậy, mà các tôn giáo đã tạo ra được sự thông cảm, bao dung và tương kính lẫn nhau giữa các khối đông đảo quần chúng tín đồ của mỗi tôn giáo, để cùng chung sức góp phần bảo đảm xây dựng được một cuộc sống an lành, hòa nhã và nhân ái cho mọi người trong xã hội ngày nay.
Dĩ nhiên là vẫn còn một số thành phần cực đoan quá khích trong hàng ngũ các tín đồ, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé mà thôi, ta không nên quá bi quan với tình trạng tiêu cực nhỏ nhoi này. Đại bộ phận các tín đồ vẫn còn giữ được truyền thống đạo hạnh, lương hảo và luôn sẵn sàng liên đới chia sẻ với nỗi bất hạnh khốn khổ của người đồng lọai.
Đó mới đích thực là niềm hy vọng chứa chan cho nhân lọai chúng ta vào đầu thế kỷ XXI ngày nay vậy./
(Trong các bài kế tiếp, chúng tôi sẽ xin trình bày chi tiết cụ thể hơn về tình hình sinh họat xã hội của các tôn giáo ở các địa phương, đặc biệt là ở Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh, cũng như tại các quốc gia cựu-công sản ở Đông Âu nữa. Xin mời quý bạn đọc nhớ đón xem.)
California, Tiết Vu Lan năm Tân Mão 2011
© Đòan Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Lời người dịch: Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày sụp đổ của đế quốc Ác, Liên Xô, nhà báo Mỹ Walter Rodgers, phóng viên thường trú của hãng ABC News tại Maxcơva từ năm 1984 đến 1989, viết bài phân tích tại sao tôn giáo không chết ở Liên Xô trong suốt 74 năm quằn quại như con giun dưới máy chém hoạt động hết công suất và không ngừng nghỉ của chế độ vô thần cộng sản.
Theo ông đó là nhờ những bà nội bà ngoại (babushkas). Họ là những bà già lưng còng, mặt nhăn nheo, răng rụng bị chế độ cộng sản chế diễu, khinh bỉ, chê bai bởi vì họ vẫn một lòng theo đạo. Họ sống lặng lẽ, nghèo đói dưới bóng đau thương của những nhà thờ bị thiêu cháy. Họ bảo vệ nhà thờ hoang phế; họ hàng ngày nâng niu, trân quý, và hôn lên những biểu tượng tôn giáo. Quan trọng hơn, họ thắp lên những ngọn nến của đức tin. Tuy cháy leo lắt, mỏng manh trước cơn cuồng phong vô thần, nhưng những ngọn nến trong bóng tối ấy không bao giờ tắt. Họ còn nuôi dạy những thế hệ trẻ em Nga hướng về những giá trị đạo lý truyền thống. Để rồi hôm nay nước Nga trở thành nước ngoan đạo nhất thế giới. Kết thúc bài viết, nhà báo đề nghị nuớc Nga nên dựng lên những tượng "babushka bất tử" thay thế những tượng Lê Nin đã bị gỡ xuống và hiện vẫn còn để trống. Khi tất cả mọi người đều đầu hàng bỏ cuộc những người bà này vẫn can trường gìn giữ văn hoá và đức tin của nước Nga. (theo Christian Science Monitor ngày 16/6/2011).
Và hôm nay trước làn sóng trấn áp tôn giáo ở Việt Nam mà mới đây nhất là việc bắt giữ những thanh niên Công Giáo ở Vinh, chúng tôi đăng lại bài dịch sau như lời ủng hộ và lời xác tín cho niềm tin của họ.
talawas: Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1970, đọc bài diễn văn này ở London ngày 10/5/1983, khi nhận Giải thưởng Templeton. Bài diễn văn này trình bày tư tưởng ngày càng trở nên chủ đạo, bị không ít người coi là bảo thủ, thậm chí bảo căn, và gây nhiều tranh cãi của Solzhenitsyn, đó là tìm căn nguyên của mọi đổ vỡ xã hội trong việc xa rời các giá trị tinh thần và đạo đức của Thiên chúa giáo, đặc biệt của Chính giáo Nga, và coi việc trở về với các giá trị này như lối thoát duy nhất cho nước Nga cộng sản mà ông lên án và cho các xã hội phương Tây mà ông phê phán. Chúng tôi giới thiệu bài diễn văn này với hy vọng độc giả tự đi đến nhận định độc lập của mình.
__________
Aleksandr Solzhenitsyn - Thuở nhỏ, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ là thường nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Kể từ đó tôi đã dành gần năm mươi năm nghiên cứu lịch sử cuộc cách mạng của chúng tôi; trong quá trình tìm tòi này tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách, sưu tầm được hàng trăm lời chứng thực cá nhân, và đã đóng góp tám cuốn sách của riêng mình vào nỗ lực dọn sạch đống đổ nát tang thương để lại sau cơn bể dâu ấy. Nhưng hôm nay nếu có ai yêu cầu tôi trình bày hết sức cô đọng nguyên nhân chính của cuộc cách mạng hoang tàn mà đã nuốt chửng độ sáu mươi triệu dân chúng tôi, tôi không thể nào diễn đạt chính xác hơn là lặp lại: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Hơn nữa, những sự kiện của cuộc Cách mạng Nga giờ đây, ở cuối thế kỷ này, chỉ có thể hiểu được dựa theo bối cảnh của những gì từ đó đã diễn ra ở phần còn lại trên thế giới. Điều xuất hiện ở đây là một quá trình có ý nghĩa chung. Và nếu có ai yêu cầu tôi xác định vắn tắt đặc điểm chính của toàn bộ thế kỷ hai mươi, thì ở đây, tôi cũng không thể nào tìm được lời nào rõ ràng hơn và súc tích hơn là lặp lại: Con người đã quên Chúa.
Những khiếm khuyết của ý thức con người, do bị tước đi chiều sâu đức tin của mình, đã là nhân tố quyết định trong tất cả các tội ác chính của thế kỷ này. Tội ác đầu tiên là Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, và phần nhiều tình cảnh khó khăn hiện nay có thể lần theo tội đầu tiên này. Đó là một cuộc chiến tranh (ký ức về nó dường như đang mờ nhạt) diễn ra khi châu Âu đang tràn đầy nhựa sống và thịnh vượng lại sa vào cơn tự hủy mà không thể nào không hút đi sức mạnh của nó trong cả thế kỷ hoặc có thể hơn, và có lẽ vĩnh viễn. Lời giải thích duy nhất khả dĩ có cho cuộc chiến này là sự lu mờ tinh thần trong giới lãnh đạo châu Âu, do họ đã mất đi ý thức về một Đấng Tối cao bên trên họ. Chỉ có sự phẫn nộ vô đạo mới có thể khiến các quốc gia bề ngoài theo Thiên chúa giáo sử dụng đến hơi độc, một loại vũ khí rõ ràng là vượt quá giới hạn của lòng nhân đạo.
Vẫn cùng một khuyết điểm này, khiếm khuyết của một ý thức thiếu tất cả chiều sâu của đức tin, đã biểu lộ rõ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi phương Tây buông mình theo cám dỗ ma quỷ của “chiếc dù hạt nhân”. Điều đó chẳng khác gì nói rằng: Ta hãy vất đi các lo âu, ta hãy giải phóng các thế hệ trẻ hơn khỏi ràng buộc của bổn phận và trách nhiệm, ta hãy thôi cố gắng bảo vệ chính mình, chứ đừng nói gì đến bảo vệ những kẻ khác – ta hãy bịt tai trước bao rên rỉ từ phương Đông vọng đến, và thay vào đó ta hãy sống để theo đuổi hạnh phúc. Nếu nguy hiểm có đe dọa mình chăng nữa, ta sẽ được bom hạt nhân bảo vệ; rồi nếu chẳng may thế gian có tiêu tan trong biển lửa địa ngục ta cũng chẳng màng đến. Tình trạng bất lực đáng thương nói trên mà phương Tây đương thời đang rơi vào phần lớn là do sai lầm chết người này: niềm tin rằng bảo vệ hoà bình không phụ thuộc vào những tấm lòng can đảm và những con người kiên định, mà chủ yếu phụ thuộc vào bom hạt nhân…
Thế giới ngày nay đang đi đến một giai đoạn mà nếu ta tả ra cho người của các thế kỷ trước biết, họ chắc sẽ than: “Như vậy là Tận thế!”
Tuy nhiên chúng ta đã quen với thế giới như thế; thậm chí chúng ta còn thoải mái sống trong đó.
Dostoevsky đã báo trước rằng “những sự kiện lớn bất ngờ xảy đến với ta khiến ta không chuẩn bị trước về mặt trí thức”. Đây chính là những gì đang xảy ra. Ông tiên đoán rằng “thế giới có thể được cứu rỗi chỉ sau khi nó đã bị con quỷ của cái ác ám”. Chuyện thế giới có thật sự được cứu rỗi hay không, chúng ta còn phải chờ xem: điều này nhất định còn phụ thuộc vào lương tâm, vào sự toả sáng tinh thần, vào những nỗ lực cá nhân và tập thể của chúng ta khi đối mặt với cảnh thảm họa. Nhưng chuyện đã rồi là con quỷ của cái ác, giống như cơn cuồng phong, hiện đang vần vũ ngạo nghễ trên khắp năm châu của thế giới.
Trong quá khứ của mình, nước Nga đã thật sự biết đến một thời kỳ khi lý tưởng xã hội không phải là tiếng tăm, của cải, hay thành đạt vật chất, mà là nếp sống ngoan đạo. Thời đó nước Nga thấm đẫm tinh thần Chính giáo vốn vẫn còn trung thành với Giáo hội của những thế kỷ đầu tiên. Chính giáo lúc đó biết bảo vệ dân tộc mình dưới ách ngoại xâm kéo dài hơn hai thế kỷ, đồng thời cũng chống đỡ lại những nhát gươm tàn bạo từ những thanh kiếm trên tay của những kẻ Thập tự Chinh phương Tây. Trong suốt bao thế kỷ này đức tin Chính giáo đã trở thành một phần nếp nghĩ và tính cách của dân tộc chúng tôi, thành lề thói trong cuộc sống hằng ngày, thành lịch công việc, thành những ưu tiên hơn trong mọi việc đời thường, thành sự xắp xếp lịch cho tuần và cho năm. Đức tin đã là lực thống nhất và định hình của quốc gia.
Nhưng vào thế kỷ thứ 17, Chính giáo Nga suy yếu nghiêm trọng do một sự ly giáo trong nội bộ. Đến thế kỷ thứ 18, đất nước lại rung chuyển dưới một loạt cải cách do vua Peter áp đặt bằng vũ lực. Các chính sách cải cách chú trọng về kinh tế, nhà nước và quân đội nhưng lại hy sinh tinh thần tôn giáo và sinh mạng dân tộc. Cùng với sự khai sáng thiếu cân bằng này, nước Nga đã cảm nhận làn hơi thế tục mà chất độc tinh tế của nó ngấm dần vào tầng lớp có học ở thế kỷ thứ 19 rồi mở đường đến chủ nghĩa Marx. Vào thời điểm của cuộc cách mạng, đức tin đã hầu như biến mất trong giới có học ở Nga; còn trong giới thất học thì sức sống của đức tin đang lâm nguy.
Chính Dostoevsky, lại một lần nữa, rút ra bài học từ cuộc Cách mạng Pháp và từ mối ác cảm của cuộc cách mạng này đối với Nhà thờ là “cách mạng phải nhất thiết bắt đầu bằng chủ nghĩa vô thần.” Điều đó tuyệt đối đúng. Nhưng trước đây thế giới chưa bao giờ từng biết đến một sự vô đạo nào mà có tổ chức, có quân phiệt hoá, và ác dai dẳng cho bằng sự vô đạo mà chủ nghĩa Marx áp dụng. Trong lòng hệ thống triết học của Marx và Lenin, và ở trong cốt lõi tâm lý của họ, ác cảm với Chúa là động lực chính, còn cơ bản hơn tất cả các tuyên bố sai lầm của họ về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa vô thần hung hăng không hẳn là ngẫu nhiên hay là bên lề chính sách cộng sản; nó không phải là một phản ứng phụ, mà là trọng tâm chính.
Vào những năm 1920 ở Liên Xô đã chứng kiến cuộc diễu hành vô tận của những nạn nhân và người tử vì đạo trong giới tu sĩ Chính giáo. Hai người đứng đầu giáo phận tỉnh bị hành quyết, trong đó có ông Veniamin thuộc giáo phận Petrograd, được giáo dân trong giáo phận bầu lên. Chính bản thân đức Tổng Giám mục Tikhon của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã trải qua nhiều tay công an và mật vụ và rồi qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ. Hàng chục vị Tổng Giám mục và giám mục đã bỏ mạng. Hàng chục ngàn linh mục, thầy dòng, và nữ tu, bị công an ép phải chối bỏ Lời Chúa, bị tra tấn, bị hành quyết ở duới các tầng hầm, bị tống vào các trại tù, bị đày đến các thảo nguyên hoang vu miền cực bắc, hay lúc tuổi già sập đến thì bị đẩy ra lề đường trong cảnh đói khát và không nơi nương tựa. Tất cả những người tử đạo Thiên chúa này, vì lòng tin, đã đi thẳng đến cái chết; các trường hợp chối bỏ đạo ít phổ biến. Riêng đối với hàng chục triệu giáo dân, con đường đến với Giáo hội bị ngăn chặn, và họ bị cấm dạy dỗ đạo cho con: các bậc cha mẹ ngoan đạo bị chia lìa với con cái và bị tống vào tù, còn con họ, do bị đe dọa và bị tuyên truyền dối trá, đã xa rời lòng tin…
Trong một giai đoạn ngắn, khi cần tập hợp sức mạnh cho cuộc đấu tranh chống Hitler, Stalin đã dè dặt chọn một thái độ thân thiện với Giáo hội. Trò gian lận này, trong những năm về sau, được Brezhnev lặp lại nhờ vào các ấn phẩm trưng bày và các hình thức giả dối bề ngoài khác; không may lại khiến phương Tây lầm tưởng mà tin vào giá trị bề mặt của nó. Tuy nhiên sự căm ghét tôn giáo không nguôi, vốn có sẵn trong gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản, có thể được phán xét qua trường hợp của Krushchev, nhà lãnh đạo cấp tiến nhất của họ: dù ông ta có thực hiện một số bước có ý nghĩa để mở rộng tự do, nhưng cũng đồng thời làm sống lại trong lòng người cộng sản theo chủ nghĩa Lenin nỗi ám ảnh cuồng nhiệt phải tiêu diệt tôn giáo.
Nhưng có điều họ đã không ngờ: rằng ở nơi nhà thờ đã bị san bằng, nơi chủ nghĩa vô thần đang mặc sức lấn lướt trong hai phần ba thế kỷ, nơi giới tu sĩ hoàn toàn bị khinh rẻ và mất đi tất cả sự độc lập, nơi những gì còn sót lại của Giáo hội như một thể chế, hiện đang được chấp nhận chỉ cho mục đich tuyên truyền nhắm vào phương Tây, nơi đến tận hôm nay vẫn có người bị lưu đày đến các trại lao động vì lòng tin của mình, và nơi mà ngay cả bên trong các trại này, những ai tụ họp lại để cầu nguyện vào dịp lễ Phục sinh, đều bị tát tai trong những xà lim kỷ luật – họ không thể hình dung rằng ở dưới cỗ xe ủi cộng sản này truyền thống Thiên chúa ở Nga vẫn sống sót. Đành rằng có hàng triệu đồng bào chúng tôi đã bị sa đọa và suy sụp về đức tin, tuy nhiên vẫn còn có hàng triệu tín hữu khác: chỉ vì do áp lực bên ngoài mà không dám bày tỏ công khai chính kiến của mình, nhưng cũng đúng như trong thời truy bức và khổ nạn, ý thức về Chúa ở nước tôi đã đạt đến mức độ tinh tế hơn và sâu sắc hơn nhiều.
Chính ở đây chúng ta nhìn thấy bình minh của hy vọng: vì cho dù chủ nghĩa cộng sản có dàn trải tua tủa đáng sợ ra bao xe tăng và hỏa tiễn, cho dù nó có đạt đến thắng lợi nào trong việc cướp được hành tinh này, nó nhất định không bao giờ khuất phục được Thiên chúa giáo.
Phương Tây chưa kinh qua một cuộc xăm lăng cộng sản; tôn giáo ở đây vẫn còn tự do. Nhưng sự tiến hoá lịch sử của chính phương Tây là sự tiến hoá để rồi hôm nay nó cũng đang trải qua một sự khô cạn về ý thức tôn giáo. Phương Tây cũng chứng kiến những sự ly giáo đau đớn, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, và hận thù, chưa nói đến cơn lũ thế tục mà, từ thời Trung cổ trở đi, đã từ từ tràn ngập phương Tây. Đối với lòng tin, sự suy kiệt dần sức mạnh bên trong là một mối đe dọa thậm chí còn nguy hiểm hơn bất kỳ toan tính tấn công dữ dội nào từ bên ngoài.
Trải qua hàng chục năm xói mòn dần dần trong âm thầm lặng lẽ, giờ đây ý nghĩa cuộc sống ở phương Tây không còn gì cao quý hơn là “mưu cầu hạnh phúc”, một mục tiêu thậm chí được bảo đảm trân trọng trong các hiến pháp. Bao khái niệm về Thiện và Ác đã bị chế giễu suốt trong vài thế kỷ; do bị tách rời khỏi cách dùng thông thường, các khái niệm này đã bị thay thế bằng những nhân tố vốn yểu mệnh về giá trị như chính trị và giai cấp. Ta thấy ngượng ngập khi nói rằng cái Ác ngự trong lòng cá nhân trước khi nó bước vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên ta chẳng xem là xấu hổ khi có những nhượng bộ hời hợt trước một cái Ác hoàn toàn. Xét theo vô số nhượng bộ tuôn trào ra không ngớt như đất lở ngay trước mắt của chính thế hệ chúng ta, phương Tây tất yếu đang trôi dần đến vực thẳm. Xã hội phương Tây ngày càng mất đi càng nhiều cốt lõi tôn giáo của họ khi họ vô tư buông xuôi thế hệ trẻ hơn của mình cho chủ nghĩa vô thần. Nếu một cuốn phim báng bổ Chúa Jesus được chiếu rộng rãi khắp nước Mỹ, đáng ngờ là một trong những nước sùng đạo nhất thế giới, hay một tờ báo lớn đăng một biếm họa trơ trẽn về Đức Mẹ Đồng trinh, ta còn cần gì thêm nữa bằng chứng về sự vô đạo? Khi những quyền bên ngoài hoàn toàn không bị giới hạn, tại sao ta nên cố gắng trong lòng để tránh làm những điều xấu xa?
Hay tại sao ta nên kìm nén hận thù nung nấu trong lòng, dù cở sở của nó có là chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ đi chăng nữa? Lòng hận thù như thế trong thực tế đang làm xói mòn bao tấm lòng ngày hôm nay. Những người thầy vô thần ở phương Tây đang dạy dỗ thế hệ trẻ hơn theo tinh thần hận thù đối với chính xã hội của họ. Trong cái ồn ào của bao lời lẽ kết án đó, chúng ta quên rằng các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản thể hiện các khiếm khuyết cơ bản trong bản chất con người, cho phép tự do không giới hạn cùng với nhiều nhân quyền; song chúng ta quên rằng dưới chủ nghĩa cộng sản (và chủ nghĩa cộng sản thấp thoáng ngay đằng sau tất cả các hình thức trung dung của chủ nghĩa xã hội, mà không ổn định) vẫn các khiếm khuyết giống hệt như vậy nhưng lại đầy rẫy ở bất kỳ những ai có chút tí ti quyền lực; mặc dù mọi người khác dưới chế độ đó thật sự đang đạt đến sự “bình đẳng” – bình đẳng của những nô lệ bần hàn. Sự thổi bùng lên náo nức ngọn lửa hận thù này đang trở thành dấu ấn của thế giới tự do hôm nay. Sự thật là các tự do cá nhân càng mở rộng hơn, mức độ thịnh vượng hay thậm chí giàu có càng cao hơn, thì nghịch lý thay, lòng hận thù mù quáng này càng sâu sắc hơn. Như vậy qua tấm gương của chính mình, phương Tây, ở giai đoạn đã phát triển hiện nay, minh chứng rằng sự cứu rỗi của con người không thể nào tìm thấy ở sự dư thừa về của cải vật chất hay ở chỉ sự kiếm tiền đơn thuần.
Sự thù hận được nuôi dưỡng cố ý này rồi lan đến tất cả những gì hiện hữu, đến chính cuộc sống, đến thế giới muôn màu, muôn vẻ, và muôn thanh, đến cả thân xác con người. Nghệ thuật chua chát trong thế kỷ hai mươi đang lụi tàn do cái hận thù xấu xí này, vì nghệ thuật là vô ích nếu không có tình yêu. Tại phương Đông, nghệ thuật đã sụp đổ vì nó đã bị đánh gục và bị chà đạp, nhưng tại phương Tây sự sa ngã này có tính chất tự nguyện, một sự suy tàn vào một cuộc tìm tòi cầu kỳ và hợm hĩnh nơi người nghệ sĩ, thay vì cố gắng hé lộ ra thiên cơ, lại cố đặt mình vào địa vị của Chúa.
Ở đây, một lần nữa chúng ta chứng kiến một kết cục duy nhất của một quá trình diễn ra trên khắp thế giới, với phương Đông và phương Tây tạo ra cùng kết quả, và một lần nữa cho cùng một lý do: con người đã quên Chúa.
Với những sự kiện toàn cầu nói trên lờ mờ hiện ra trước mặt chúng ta sừng sững như núi, không, như toàn bộ cả dãy núi, có thể dường như lạc lõng và không thích hợp khi ta nhớ lại rằng lời giải chính cho sự tồn tại và phi tồn tại của chúng ta nằm ở trong lòng mỗi cá nhân con người, nằm ở sự chọn lựa trong từng tấm lòng đó điều Thiện và điều Ác cụ thể. Tuy nhiên lời giải này đến cả hôm nay vẫn còn đúng, và thật sự là lời giải đáng tin tưởng nhất mà chúng ta có. Các lý thuyết xã hội đã hứa hẹn rất nhiều giờ đây chứng tỏ là đã phá sản, khiến chúng ta rơi vào ngõ cụt. Người ta có thể mong đợi hợp lý rằng người dân tự do phương Tây nhận thức họ đang bị vây quanh bởi vô số những giả dối vốn được nuôi dưỡng một cách tự do, và sẽ không cho phép những lời dối trá áp đặt gian lận quá dễ dàng lên họ. Tất cả các cố gắng để tìm lối thoát khỏi hoàn cảnh không may của thế giới hôm nay đều vô ích trừ phi chúng ta, trong sám hối, chuyển hướng ý thức của chúng ta đến Đấng Sáng tạo ra vũ trụ: nếu không có điều này, sẽ không có ánh sáng nào soi rọi lối ra, và chúng ta sẽ tìm kiếm trong vô vọng. Tài sản chúng ta đã để riêng ra cho chính mình thật quá khiêm nhường cho nhiệm vụ gian nan này. Trước tiên chúng ta phải thừa nhận nỗi kinh hoàng ấy không phải do thế lực bên ngoài nào đó gây ra, không phải do kẻ thù dân tộc hay giai cấp, mà do trong từng mỗi cá nhân chúng ta, và trong mỗi xã hội. Điều này đặc biệt đúng với một xã hội tự do và đã phát triển cao, vì đặc biệt ở đây chúng ta chắc chắn đã tạo ra mọi thứ cho mình, đúng với sự chọn lựa tự do của chính mình. Chính chúng ta, trong sự ích kỷ vô tâm hàng ngày của mình, đã vô tình xiết chặt thêm cái thòng lọng đó…
Cuộc đời chúng ta không gói ghém trong mưu cầu thành đạt về vật chất mà trong nỗ lực tìm kiếm sự phát triển tinh thần xứng đáng. Toàn bộ kiếp người của chúng ta trên trần thế này chỉ là một giai đoạn quá độ trong sự vận động hướng tới điều gì đó cao hơn, và chúng ta không được chao đảo vấp ngã, chúng ta cũng không được nán lại vô ích trên một nấc thang nào của chiếc thang này. Chỉ riêng quy luật về vật chất không giải thích được hay định hướng được cuộc đời chúng ta. Quy luật về vật lý và sinh lý nhất định không bao giờ hé lộ bằng cách chắc chắn nào mà Đấng Tạo hóa đã đều đặn, hết ngày này đến ngày khác, tham dự vào cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, luôn luôn ban cho chúng ta năng lượng của sự tồn tại; khi sự giúp đỡ này rời bỏ chúng ta, chúng ta chết. Và trong cuộc sống của toàn thể hành tinh của chúng ta, Thánh linh chắc chắn tác động cũng không kém phần mạnh mẽ hơn: điều này chúng ta phải thấu hiểu trong thời khắc tăm tối và khiếp sợ của mình.
Đối với bao hy vọng hão huyền trong hai thế kỷ vừa qua, những hy vọng đã rút chúng ta xuống thành vô nghĩa và đưa chúng ta tới gần cái chết hạt nhân và phi hạt nhân, chúng ta có thể chỉ đề nghị một sự tìm kiếm bền lòng bàn tay ấm áp của Chúa, mà chúng ta đã chối bỏ một cách quá vội vàng và quá tự tin. Chỉ có như thế, mắt chúng ta mới nhìn thấy được các sai lầm trong thế kỷ hai mươi bất hạnh này và chúng ta hãy liên kết lại để chấn chỉnh những sai lầm này. Ngoài ra chẳng còn gì khác hơn để cho ta bám vào trong cơn đất lở này: tư tưởng kết hợp lại của tất cả các triết gia Khai sáng chẳng là gì hết.
Năm châu chúng ta đang ở giữa trận cuồng phong. Nhưng chính qua các thử thách như thế tính cách cao quý nhất của con người mới thể hiện. Nếu chúng ta lụi tàn và thua cuộc trong thế giới này, lỗi ấy hoàn toàn thuộc về chúng ta.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh “Godlessness, the First Step to the Gulag” của A. Klimof năm 1983
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
Nguồn: Danlambao