Tại Việt Nam vừa diễn ra một loạt hội nghị của các ngành quốc phòng và an ninh nhằm thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát xã hội và bảo vệ chế độ.
Nhu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia được cho vào chung với mục tiêu "đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch".
Đặc biệt, nhiệm vụ bảo vệ Đảng cầm quyền được đặt lên trước "bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân", theo chính báo chí trong nước đăng tải.
Truyền thông Việt Nam cho hay một hội nghị giao ban hôm 15/7 được tổ chức tại Hà Nội nhằm thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp công tác giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
BấmTrung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị tổng kết lại sáu tháng đầu năm nay về các nhiệm vụ an ninh và quốc phòng.
Ngoài việc đề cao các nhiệm vụ mang tính an ninh, hình sự thuần tuý, đại diện lãnh đạo hai bộ Quốc phòng và Công an cùng nhiều cấp ngành đã nhấn mạnh đến việc dùng bộ máy của cả công an và quân đội để chống lại điều báo chí Việt Nam gọi là "các hoạt động móc nối, cài cắm, kích động gây rối".
Trong bối cảnh sau kỳ Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội nhưng định hướng kinh tế chưa rõ, lạm phát cao, lòng dân ly tán, hai ngành Quốc phòng và Công an được giao nhiệm vụ "giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước".
Nghị định 77/2010/NĐ-CP được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 12/7/2010, gồm bốn chương, 22 điều quy định chi tiết về nguyên tắc và nội dung phối hợp công tác hai ngành Quốc phòng và Công an Việt Nam.
Thách thức từ trong ra ngoài
Để đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, thời gian tiếp theo hai lực lượng phải phối hợp với nhau chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả hơn nữa.
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ
Con số các vụ việc dù được nêu ra như một lời khen cho công tác của quân đội và công an Việt Nam nhân hội nghị giao ban vừa qua nhưng lại cho thấy mức độ rộng khắp của các thách thức xã hội:
Báo Quân đội Nhân dân viết:
"Hai lực lượng đã phối hợp tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho hơn 507 nghìn lượt người; tuyên truyền bầu cử cho 1,2 triệu lượt người,"
Ngoài ra, quân đội và công an Việt Nam được khen là đã có công "vận động 13.806 học sinh trở lại trường học, 601 hộ đồng bào không định cư tự do; cùng địa phương quản lý, giáo dục gần 1000 thanh niên chậm tiến; ngăn chặn 213 vụ tuyên truyền đạo trái pháp luật..."
Các hoạt động này có thể liên quan đến những vụ như bạo đ̣ộng Mường Nhé, nơi có hiện tượng người Hmong di cư tự do, hay các hoạt động tôn giáo của Tin Lành và những tôn giáo chưa được nhà nước cho phép.
Có vẻ như các thách thức hiện đang đến với Đảng Cộng sản Việt Nam từ cả trong và ngoài nước.
Một mặt, làn sóng phản đối Trung Quốc trong vấn đề biển đảo đã khiến nổ ra nhiều cuộc tuần hành liên tiếp tại Hà Nội và TPHCM, dù với mức độ, quy mô khác nhau.
Việc trấn áp nặng tay cuộc biểu tình mới nhất của trí thức và thanh niên Hà Nội hôm 17/7 vừa qua đã khiến dư luận trong và ngoài nước xôn xao.
Ngoài con số công an chìm đông áp đảo, chính quyền đã bị một số người biểu tình cáo buộc là cố ý nặng tay với họ trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc để "tỏ ra cho Trung Quốc thấy" là Hà Nội cương quyết trấn áp biểu tình.
Cũng có tin chưa được kiểm chứng nói rằng một số cuộc vận động biểu tình mang cờ đỏ sao vàng của sinh viên, trí thức Việt Nam ở nước ngoài được sự khuyến khích của an ninh Việt Nam cử sang.
Cùng lúc, có nhiều dấu hiệu Hà Nội chịu sức ép từ Bắc Kinh về việc phải chọn đường lối đàm phán song phương hay đa phương trước các hội nghị khu vực và quốc tế và an ninh vùng.
Cũng vì thế, các ngành ban trực tiếp đương đầu với những sức ép cả trong lẫn ngoài được cổ vũ, thúc đẩy nhằm tăng cường khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Cũng thời gian qua, Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm và nêu ra các nhiệm vụ cho nửa năm còn lại.
Theo báo chí Việt Nam, Cảnh sát biển là lực lượng đã "trực tiếp tham gia bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí thực nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy, ngăn chặn tàu nước ngoài cản phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam có hiệu quả".
Bài trên tờ Quân đội Nhân dân về Hội nghị hôm 14/7 không nói rõ đó là tàu Trung Quốc nhưng các báo Việt Nam từng nêu rằng chính các tàu hải giám của Trung Quốc đã tấn công cắt cáp tàu Việt Nam trong Biển Đông, mở đầu bằng vụ việc với tàu Bình Minh 02 hôm 29/5.
Một số chi tiết về hàng chục vụ "tàu lạ" xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam nay được tờ báo này tiết lộ:
"Lực lượng chuyên trách của Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan phát hiện, xua đuổi 59 tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, xác minh làm rõ 10 vụ, 23 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, kịp thời phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao."
Bài báo không nói rõ trong số các vụ tàu nước ngoài "vi phạm vùng biển Việt Nam" có bao nhiêu tàu của Trung Quốc và bao nhiêu thuộc các quốc tịch khác, nhưng là chỉ dấu cho thấy mức độ, tầm vóc của những diễn biến căng thẳng ngoài Biển Đông trong nửa năm qua.
Cùng thời gian, Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hợp tác hải quân với các nước trong và ngoài khu vực, gồm cả Hoa Kỳ với hy vọng tạo ra một vị thế khả quan hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
0 nhận xét