ảnh Danlambao |
Thanh Quang (RFA) - Bà Nguyễn Thanh Nụ, vợ Mục sư Phạm Ngọc Thạch : "...Khi họ đẩy chồng tôi vô xe, chồng tôi còn kịp hô to một câu là “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Thì 1 công an bịt miệng chồng tôi. Rồi xe 113 của cảnh sát giao thông cùng xe chở chồng tôi hú còi, đi đường ngược chiều mất dạng...."
Mục sư Phạm Ngọc Thạch thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam, bị công an TP.HCM bắt giữ, còng tay, hành hung, rồi đưa đi tối thứ Bảy 25-6-2011.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, Bà Nguyễn Thanh Nụ, vợ Mục sư Phạm Ngọc Thạch, cho biết ông đã bị công an Phường 26, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn bắt, hành hung, nhục mạ và đưa đi mất.
Tiếp chuyện Thanh Quang qua điện thoại, bà Nguyễn Thanh Nụ kể lại sự việc như sau:
“Khoảng 10 giờ tối hôm thứ Bảy, chồng tôi ra đường. Khoảng 15 phút sau, tôi nhận được cuộc gọi của chồng tôi nói là công an đang tấn công anh ở Cầu Đỏ, Phường 26, Quận Bình Thạnh.
Tôi nghe tin như vậy thì thông báo anh em tôi có chạy ra, thấy giữa cầu có 1 chiếc giầy của chồng tôi và cái bàn đạp xe rớt ra giữa đường, nhưng không thấy chồng tôi đâu cả. Còn bên cạnh cầu thì thấy chừng một chục công an, dân phòng cầm dùi cui.
Mục sư Phạm Ngọc Thạch (Phải) và Mục sư Nguyễn Trung Tôn
Người nhà tôi mới mang chiếc giày và bàn đạp chiếc xe về. Trên đường về, gia đình tôi nghĩ co thê họ đưa chồng tôi về Phường 26, Quận Bình Thạnh. Sau đó anh em tôi tới và nhìn thấy chồng tôi đang bị còng số 8 và ngồi trong phường này.
Tôi mới bồng con tôi mới 15 tháng tuổi chạy ra phường, hỏi chồng tồi là MS Phạm Ngọc Thạch ở đâu”.
Thanh Quang: Thưa bà, công an trả lời ra sao ? Và họ có nói bắt chồng bà vì lý do gì không?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Cán bộ phường nói là không biết, không có bắt ai tên Phạm Ngọc Thạch cả. Nhưng tôi khẳng định là gia đình tôi thấy chồng tôi bị còng và đang ngồi trong phường này. Lúc đó lực lượng của họ rất đông. Còn tôi thì chỉ có mẹ con tôi cùng một số anh em tôi đứng bên ngoài, cũng chẳng vô được.
Thanh Quang: Nhưng anh em của bà, như bà vừa kể, là đã nhìn thấy chồng bà bị cồng trong đồn công an này mà ? Như vậy bà phản ứng ra sao?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Phường 26 đó có 2 cửa. Cửa trước ra đường về cầu Bình Triệu và bến xe Miền Đông, còn cổng sau là nơi họ nhốt chồng tôi. Ban đầu tôi cũng chưa biết. Có 1 anh em bảo tôi rằng có thể thầy Thạch đang bị nhốt ở cổng sau. Tôi tới cửa sắt cổng sau, đá vào cửa và gọi “anh Thạch ơi”, thì tôi nghe tiếng chồng tôi nói là “anh đang ở trong này”. Và chồng tôi nói thêm là chồng tôi đang bị nó khoá tay, khoá chân, đánh gãy cằm của anh rồi, đau xương hàm lắm. Và tôi nghe tiếng thảm thiết của chồng tôi.
Thanh Quang: Chính chồng bà lên tiếng đau đớn như vậy, họ có cho bà vào gặp chồng không?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Tôi đề nghị người chỉ huy ở đây cho tôi được gặp chồng tôi, cho con tôi được gặp cha nó. Nhưng họ không cho vô.
Sau đó tôi đấu tranh rất nhiều, nói về đạo lý con người, hỏi họ rằng họ có trái tim hay không khi thấy mẹ con tôi đứng giữa đêm khuya thế này, tôi bồng đứa con thơ đi tìm chồng, tìm cha như thế này.
Họ không rung động gì cả dù tôi đứng tới 2 tiếng đồng hồ. Họ cả mấy chục người an ninh rồi dùi cui cản không cho tôi vô. Tôi vẫn đấu tranh rất nhiều. Sau đó có 1 anh mời tôi vô.
Tôi xin cho tôi vô Phòng Tiếp Dân, vì cơ quan nhà nước nào cũng có Phòng Tiếp Dân, vì tôi là 1 công dân. Nhưng anh này chỉ cho mẹ con tôi ngồi ở vỉa hè, dù Phòng tiếp Dân có, có ghế trong đó nhưng cũng không cho mẹ con tôi vô.
Đến khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ thì có 1 anh mời tôi vô. Anh này mặc thường phục, không bảng tên, không chức vụ gì cả.
Tôi có hỏi anh tên, chức vụ là gì, làm ở cơ quan nào thì tôi mới biết để nói chuyện với anh ta. Anh này xưng là Nguyễn Thanh Hùng, công an TP.
Thanh Quang: Người công an này có giải thích lý do bắt chồng bà không?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Anh ta trả lời rằng chồng tôi bị bắt vì dán tờ rơi kích động biểu tình. Tôi hỏi nội dung tờ rơi đó là gì, và kích động biểu tình về vấn đề gì ? Ông Hùng đó nói là bây giờ biểu tình là trái pháp luật thì bắt.
Thanh Quang: Còn việc MS Phạm Ngọc Thạch bị họ đánh đập thì sao?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Tôi hỏi về sức khoẻ của chồng tôi thì ông này nói là không sao dù từ bên ngoài, tôi nghe tiếng la hét của chồng tôi là anh bị đánh đập, bị nhổ nước bọt vào mặt và còn gọi chồng tôi bằng từ mà tôi không biết có tiện nói ra ở đây hay không.
Nhưng tôi cũng xin nói ra để qúy vị biết thêm cung cách của cán bộ. Tôi nghe chồng tôi nói họ bảo là “đánh chết thằng chó này”. Tôi mới hỏi họ tại sao nói chồng tôi là chó?
Họ cũng biết tục ngữ “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, thì tại sao họ lại chưởi chồng tôi là chó ? Vậy họ là cái gì ? Tôi nói vọng vô như vậy, tay bồng đưa con thơ mà rất xót xa.
Thang Quang: Rồi họ vẫn tiếp tục nhốt chồng bà ở đó, hay đưa ông đi đâu?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Công an Hùng này cho biết đưa chồng tôi lên quận. Tôi hỏi quận nào để tôi đi theo, để biết sức khoẻ chồng tôi ra sao. Hình ảnh tôi không thể cầm lòng được là hình ảnh 1 chiếc giầy và 1 cái bàn đạp xe của chồng tôi mà anh em tôi cầm về.
Tôi rất buồn, nghĩ là chồng tôi đi bằng bàn chân không thôi. Sau đó họ dàn cảnh, cho lực lượng gồm công an, dân phòng đứng 2 hàng ở trước cửa phường để đưa anh Thạch lên xe cảnh sát.
Tôi hỏi anh Hùng này là đưa chồng tôi ra cổng nào ? Anh ấy trả lời là ra cổng trước. Tôi mới bồng con tôi ra cửa trước đợi để được nhìn thấy chồng, để con thấy cha của nó. Xe cứu thương có tới, xe cảnh sát lực lượng 113 rất là đông.
Nhưng tôi đợi mãi không thấy, rồi nghe 1 cán bộ nói thật nhỏ rằng “đi cổng sau nhé”. Nghe vậy tôi chạy vội ra cổng sau thì thấy 1 xe cảnh sát trực sẵn ở đó. Tôi thấy chồng tôi bị dẫn ra.
Tôi chạy theo kêu lên “anh ơi”, thì bị lực lượng quá đông bao vây mẹ con tôi bé nhỏ không làm gì được. Họ còn bẻ tay tôi, không cho tôi tiến tới chồng tôi. Tôi chỉ còn kịp kêu lên rằng “Anh ơi, em đây, con đây!”.
Khi họ đẩy chồng tôi vô xe, chồng tôi còn kịp hô to một câu là “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Thì 1 công an bịt miệng chồng tôi. Rồi xe 113 của cảnh sát giao thông cùng xe chở chồng tôi hú còi, đi đường ngược chiều mất dạng.
Chồng tôi đi đâu, số phận như thế nào thì tôi không biết, để lại 2 mẹ con tôi. Tôi chỉ biết quay trở về nhà cầu nguyện mà thôi.
Thanh Quang: Thưa, Hội Thánh và cá nhân bà có chuẩn bị như thế nào để giúp MS Phạm Ngọc Thạch không?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Thưa tình hình mới xảy ra đây thôi nên tôi chưa có gặp anh em trong Hội Thánh hay như thế nào cả. Tôi vẫn thức trắng, không ngủ được.
Thanh Quang: Thưa nhân đây bà muốn lên tiếng gì không với công luận thế giới về trường hợp của MS Phạm Ngọc Thạch?
Bà Nguyễn Thanh Nụ: Dạ, tiện đây tôi xin nói rằng nếu chồng tôi đấu tranh cho “Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam” thì tôi ủng hộ. Và tôi mong rằng quý vị cùng đứng bên cạnh chồng tôi, không phải đấu tranh cho chồng tôi mà đấu tranh cho đất nước VN thân yêu, đấu tranh cho “Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Thanh Quang: Xin cảm ơn bà rất nhiều!
"Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!" (Mathio 5:10)
NGUYỆN CHÚA THÊM SỨC TRÊN MS VÀ GIA ĐÌNH