Sự việc Trung quốc đưa tàu vào sâu trong hải phận Việt Nam để cắt cáp hai tàu thăm dò đáy biển Bình Minh 02 và Viking II của tập đoàn dầu khí Petro Vietnam không những làm cho người dân Việt Nam phẫn nộ mà còn khiến cho nhiều nước lo ngại cho sự bất ổn ở biển Đông. Hành động của Trung quốc vi phạm trắng trợn luật Hàng hải quốc tế và mới nhất là Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982. Trong tháng 6 này, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh biển Đông đã được tổ chức để cảnh báo và tìm cách ngăn chận những cuộc chiến có thể xảy ra ở vùng biển này mà ai cũng biết kẻ gây ra không ai khác hơn là Trung quốc.
Trong số đó, cuộc hội thảo An ninh biển Đông, tổ chức ở Washington DC, Hoa Kỳ vào ngày 20/6/2011 được xem là nặng ký nhất. Tại đây, đại diện phía Trung quốc, giáo sư Tô Hào (Su Hao theo âm Hán), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học Ngoại giao Trung quốc ở Bắc Kinh, vẫn chỉ lập lại những cái gọi là “bằng chứng lịch sử” do Bắc Kinh ngụy tạo để khẳng định chủ quyền của họ đối với biển Đông. Nhưng điều làm cử toạ kinh ngạc là thái độ xấc xược trong bài diễn văn của ông Tô Hào. Ông thẳng thừng dùng chữ Bắc Kinh là “ông anh lớn” đang bảo ban “đứa em nhỏ” Việt Nam thì đứa em nhỏ phải biết vâng lời. Đây cũng chính là thái độ và lời lẽ mà Tô Hào đã phát biểu ngay buổi tại buổi hội thảo về vấn đề biển Đông do học viện Ngoại giao và hội Luật sư Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 11/11/2010.
Cả thế giới hiện nay cũng biết rất rõ thái độ xấc xược đó không phải là bản tính riêng của Tô Hào mà là chính sách chung của nhà nước Bắc Kinh đối với toàn vùng. Thí dụ như vào ngày 21/06/2011, tờ Quân đội giải phóng Trung quốc cho đăng một bài xã thuyết khẳng định chiến lược của Trung quốc là ra tay tấn công địch thủ trước. Theo bài xã thuyết này thì với tên lửa tối tân hiện nay, Trung quốc có thể san bằng các phi trường trước khi máy bay địch cất cánh. Tuy không nói rõ ra, nhưng các chuyên gia quân sự đều hiểu rằng Trung quốc đang ám chỉ hai căn cứ không quân Kadena và Futenma của Mỹ và căn cứ không quân Naha của tự vệ đội Nhật ở Okinawa. Ngoài ra, việc dự tính hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung quốc vào ngày 1/7/2011 sắp tới cũng là đề tài làm bùng lên đủ loại bài vở đầy tính hung hăng, hiếu chiến. Một số bình luận gia bắt đầu đặt câu hỏi phải chăng Bắc Kinh cố tình đẩy không khí hung hăng, ái quốc cực đoan hiện nay để đánh lạc hướng sự chú tâm của nhân dân vào tình hình kinh tế đang suy thoái và các vấn nạn dầy đặc xã hội, môi sinh, và thời điểm sắp chuyển quyền lãnh đạo.
Hiển nhiên, cả thế giới, đặc biệt là các nước trong vùng Đông Nam Á, rất khó chịu về thái độ trịch thượng của các đại diện Trung quốc. Có lẽ tiêu biểu nhất cho sự khó chịu này là phần phát biểu của ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc ban An ninh chính trị thuộc ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ông Termsak nói: “ASEAN đã 20 lần đưa ra tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông thành một bản quy tắc có tính cách ràng buộc, nhưng đều bị Trung quốc bác bỏ; hiện ASEAN đang đưa ra tuyên bố lần thứ 21 liên quan đến vấn đề này”. Ông Termsak còn nói những hành động của Bắc Kinh trên biển Đông trong thời gian gần đây cho thấy sự “hiếu chiến” của Trung quốc.
Riêng đối với Việt Nam, guồng máy tuyền truyền Trung quốc cho phổ biến những con số mà theo họ là kết quả một cuộc thống kê dư luận người dân ở Hoa lục về hành động gần đây của Trung quốc trên biển Đông. Kết quả này được cho đăng đầu tiên trên trang nhất tờ Toàn Cầu thời báo ấn bản tiếng Anh. Theo kết quả thống kê đó thì 82,9% dân Tàu cho rằng giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải với Việt Nam bằng quân sự là thích đáng; 13,6% ý kiến cho rằng nên giải quyết bằng ngoại giao. Trong số những người đọc kết quả thống kê này, nhiều người góp ý: cứ đưa ra cái Công hàm của ông Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ký năm 1958 và vô số các bài xã luận trên báo chí Việt Nam suốt từ 1958 đến tận 1978 công nhận lãnh hải của Trung quốc thì Việt Nam không còn chối cãi vào đâu được.
Theo các bình luận gia quốc tế và Nhật Bản về hàng hải thì chỉ có bức công hàm mang chữ ký ông Phạm Văn Đồng có giá trị ràng buộc và vẫn đang là nền tảng cho các khẳng định chủ quyền của Trung quốc và là trở lực lớn đối với các phản đối và đòi hỏi từ phía Việt Nam. Vẫn theo các chuyên gia này, thì việc cơ bản đầu tiên mà nhà nước Việt Nam hiện nay cần phải làm là công khai và chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của bức công hàm Phạm Văn Đồng. Đảng và nhà nước CSVN đừng mất thêm thời giờ biện minh quanh co về lập trường và cái thế của “Đảng và nhà nước” vào thời thập niên 1950. Các lý luận quanh co đó không có giá trị gì đối với quốc tế.
Còn đối với dân tộc Việt Nam, loại ngụy biện này chỉ nhắc toàn dân về cái tư duy “đặt chủ nghĩa và thế giới cộng sản lên trên tổ quốc” mà có thời những người cộng sản rất tự hào tuyên bố công khai. Trong những năm tháng đó, giác ngộ cách mạng đương nhiên bao gồm ý niệm “thoát ly” để trở thành những chiến sĩ cộng sản vô tôn giáo – vô gia đình – vô tổ quốc. Chính ông Hồ Chí Minh cũng hãnh diện bày tỏ tâm nguyện và tư duy nêu trên nhân lúc ông thấy mình ngang hàng “đối thoại” với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua câu thơ: “Bác đưa dân tộc qua nô lệ, tôi dắt năm châu đến đại đồng”, và trong nhiều dịp khác nữa.
Có người cho rằng chuyện đó xưa rồi. Lãnh đạo Đảng ngày nay đâu còn quan niệm như thế nữa. Có thật vậy không? Ít nhất Đảng vẫn tiếp tục ca tụng mọi lời dạy dỗ của ông Hồ Chí Minh và chưa từng xác nhận loại tư duy phi dân tộc nêu trên là sai lầm và tai hại.
Tuy nhiên, hãy để điều đó cho lịch sử phán xét. Điều hệ trọng lúc này là làm sao gỡ cho được những cái họa trên đầu dân tộc do tư duy đó để lại. Một trong những cái họa lớn lao đang cắt lìa đất nước là bức công hàm Phạm Văn Đồng. Và trách nhiệm phủ nhận nó nằm trọn vẹn trên vai Bộ chính trị đảng CSVN hôm nay.
©VT
0 nhận xét